Chuyện ở Trạm y tế Hải Phòng: 'Lâu lắm rồi chúng tôi không ngủ đủ giấc'

Admin
Suốt mấy tháng nay, hệ thống Trạm y tế ở Hải Phòng luôn trong tình trạng quá tải vì lượng F0 trong cộng đồng tăng vọt. Chứng kiến cường độ làm việc với số nhân lực ít ỏi của Trạm, ai cũng cảm thông, thấu hiểu họ đang rất gắng sức và hy sinh rất nhiều.

Liên tục trực 24/24h mỗi ngày, hệ thống Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường ở Hải Phòng gần như không có khái niệm ngày nghỉ. Khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt, chủ trương điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ ngay tại nhà, công việc của hệ thống y tế cơ sở càng thêm áp lực, thậm chí quá tải. Ai cũng phải gồng mình gắng sức gấp nhiều nhiều lần so với trước vì nhân lực mỗi Trạm chỉ có 4-5 người.

 Bác sĩ Bích Thái - Trạm y tế lưu động Lũng Đông, phường Đằng Hải đang tư vấn cho F0 từ xa.

Tại Trạm Y tế lưu động điểm Lũng Đông, phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng, kể từ đầu tháng 12/2021 khi thành phố có quyết định thành lập trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn... chính quyền phường Đằng Hải đã kêu gọi và vận động được 4 bác sĩ, y tá nghỉ hưu vào cuộc giúp. Trạm Y tế phường cắt cử 1 nhân viên cứng xuống kết hợp điều phối hoạt động của Trạm. Điểm Y tế lưu động được đặt ngay tại nhà văn hóa của khu dân cư với 5 nhân lực.

Bác sĩ Nguyễn Bích Thái, 68 tuổi, từng công tác tại BVĐK tỉnh Yên Bái đang hỗ trợ cho Trạm Y tế lưu động điểm Lũng Đông cho hay: "Sau khi nghỉ hưu về quê hương ở Đằng Hải, Hải Phòng đúng đợt dịch bùng phát, tôi không chút ngần ngại, tình nguyện tham gia hỗ trợ cho TTYT quận Hải An. Công việc của tôi lúc đó cập nhật hồ sơ bệnh án của các F0 trên địa bàn, khám sàng lọc và tiêm chủng vaccine theo chiến dịch. Khi thành lập Trạm y tế lưu động, tôi về điểm Lũng Đông và cùng đội ngũ y bác sĩ về hưu tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Công việc của Trạm khá vất vả, một người có khi phải đảm nhiệm 2 tới 3 việc vì nhân lực thiếu, rồi nhân viên y tế nhiễm COVID-19 khiến ai cũng phải cố gắng và cố gắng. Nhiều lúc quá tải, về tới nhà mới sực nhớ trưa nay bỏ bữa".

Công việc hàng ngày của Trạm là tiếp nhận cuộc gọi, trợ giúp từ xa bằng tư vấn và hướng dẫn người dân các thủ tục cần làm, cách theo dõi sức khỏe khi có triệu chứng mắc COVID-19. Rồi cập nhật danh sách F0, mở sổ theo dõi sức khỏe F0, phát thuốc, chăm sóc điều trị cho F0 tại nhà... Mỗi ngày, Trạm y tế chia làm 3 ca làm việc (sáng - chiều - tối), mỗi ca làm 8 tiếng xuyên suốt 24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho y tế tuyến trên.

 Gần như lúc nào Trạm y tế lưu động cũng đông người dân tới khai báo và tìm trợ giúp.

 Khi thành phố tăng cường sinh viên về các Trạm y tế hỗ trợ chống dịch, công việc đã phần nào được san sẻ và giải phóng nhanh hơn.

Dù đã nghỉ hưu song cựu y tá quân đội vẫn tích cực tham gia hỗ trợ Trạm y tế lưu động.

  Nhân viên y tế trong bộ đồ chống dịch kín mít liên tục đứng suốt 4 tiếng đồng hồ phục vụ người dân từ khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và tư vấn điều trị cho F0 tại nhà...

 

 Nhân lực cứng của Trạm y tế thường chỉ có 4-5 người nhưng công việc phòng dịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong dân cư lại quá tải khiến số nhân lực trên luôn phải gắng sức.

 Người dân đến kín sân Trạm y tế ngồi, đứng xếp hàng chờ tới lượt vào test nhanh.

Tại quận Kiến An, sáng ngày 26/2, cũng như mọi ngày, 5 nhân viên của Trạm Y tế phường Ngọc Sơn bước vào kip trực mới. Dù biết ngày mai là ngày kỷ niệm của ngành nhưng công việc bề bộn khiến không mấy ai còn chú ý. Không hoa, không bánh như mọi năm, cả Trạm lúc này chỉ có tiếng đọc trả kết quả test nhanh cho người dân, tiếng loa gọi tên người vào khai báo rồi tiếng giải đáp cho các F0 từ xa...

Điều dưỡng Nguyễn Minh Phương - Phó trưởng Trạm y tế phường Ngọc Sơn cho biết: "Mỗi ngày, công việc của Trạm sẽ bắt đầu từ 7 giờ đến 21 giờ sẽ kết thúc với cường độ làm việc liên tục. Công việc chính của Trạm là vào sổ sách các bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm F0, F1, ban hành Quyết định cách ly, điều trị tại nhà... Từ lúc thực hiện điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại địa phương, dường như ngày nào, ca nào Trạm cũng đông kín người dân tới tìm sự trợ giúp.

Từ sau Tết nguyên đán, lượng F0 tăng vọt, cộng thêm nhân viên y tế bị mắc COVID-19 nhiều khiến nhân lực tại các Trạm rơi vào khó khăn. Mới đây, thành phố hỗ trợ thêm nguồn sinh viên Đại học Y, Đại học Hải Phòng về các Trạm giúp đỡ phần việc xét nghiệm, vào sổ sách nên công việc được thuận lợi hơn, không bị tắc nghẽn như trước".

Chia sẻ về nỗi niềm trong ngày 27/2, điều dưỡng Phương xúc động, bày tỏ: "Đã lâu lắm rồi, chúng tôi không có bữa nào ngủ đủ giấc, ăn cũng phải nhanh và làm việc không có khái niệm thời gian. Ngày kỷ niệm ngành, cũng đành gác lại. Giờ, chỉ mong dịch hết nhanh để tất cả mọi người được trở lại trạng thái cuộc sống bình thường".

 Điều dưỡng Nguyễn Minh Phương trả lời các F0 gọi tới nhờ giúp đỡ, tư vấn.

 Sinh viên Trần Hồng Ngoan, K39B ĐH Y Hải Phòng từng tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo hoạt động của nhà trường nên tự tin trong đợt chi viện lần này.

Nữ sinh Trần Hồng Ngoan - lớp Y5 K39B, Đại học Y Hải Phòng tự tin cho biết: "Em mới được tăng cường tới TTYT Kiến An và được phân về Trạm Y tế phường Ngọc Sơn từ ngày 24/2. Công việc của em chủ yếu là lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân kê khai y tế. Trước đó, ở trường em cũng đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho các công nhân của nhà máy theo hoạt động của nhà trường nên có kinh nghiệm khi đi chi viện, tăng cường đợt này. Lớp em có 53 sinh viên thì cả 53 bạn đều tham gia tăng cường cho hệ thống y tế cơ sở. Có bạn thì tới Trạm y tế lưu động, có bạn vào Trạm y tế phường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19".

Theo Sở Y tế Hải Phòng, kể từ khi thành phố triển khai đưa Trạm y tế lưu động vào hoạt động, đến nay toàn thành phố có 237 trạm với hơn 1.170 nhân viên tham gia, làm công tác thu dung và điều trị.

Khi số lượng F0 tăng đột biến kể từ sau Tết nguyên đán, y tế cơ sở rơi vào quá tải, đặc biệt tại 3 địa bàn Ngô Quyền, Hải An và Lê Chân. Mỗi ngày, bình quân mỗi trạm y tế theo dõi hơn 300F0 trong khi số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh rất nhiều, ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện tại các trạm y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh trở nặng và có nguy cơ tử vong.

Để đáp ứng và giải quyết tình hình trên, từ ngày 16/2, UBND thành phố Hải Phòng huy động 600 sinh viên từ Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Hải Phòng và Cao đẳng Y tế Hải Phòng (mỗi trường 200 sinh viên), đặc biệt nhóm sinh viên ngành y đã có kinh nghiệm về các Trạm y tế hỗ trợ chống dịch.

Mời quý vị xem thêm video được ghi tại Trạm y tế lưu động phường Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng:

[presscloud]http://media.vinh24h.vn/video/2022/02/27/COVID_H___i_Ph__ng_h__m_nay_26_2__Chuy___n_____Tr___m_y_t______L__u_l___m_r___i_ch__ng_t__i_kh__ng_ng__________gi___c_.mp4[/presscloud]

Theo CDC Hải Phòng, tính đến ngày 26/2/2022, toàn thành phố đã ghi nhận 209.190 ca, trong đó, riêng ngày 26/2 có thêm 2.025 ca mắc COVID-19 mới

- Số ca khỏi bệnh trong ngày là 1.798 ca

- Hồi phục xuất viện: 45.884

- Đang điều trị: 163.167 (số điều trị tại nhà: 160.501 ca)

+ Tầng 1: 160.667 bệnh nhân chiếm 98,47%

+ Tầng 2: 2.356 bệnh nhân chiếm 1,44%

+ Tầng 3: 144 bệnh nhân chiếm 0,09%

+ Bệnh nhân nặng/nguy kịch: 144 ca

+ Tử vong trong ngày: 2 ca

+ Tích lũy tử vong đến nay: 139 ca

Tác giả: Minh Lý

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống