Cô giáo mầm non bỏ nghề để cứu con u não

Admin
Đang học thì Trường ngã quỵ, bất tỉnh, 2 chân Trường yếu dần, rồi đến tay, rồi cả người liệt hẳn. Sau thời gian dài xét nghiệm, các bác sĩ mới phát hiện có nhiều khối u trong não chèn dây thần kinh khiến Trường tê liệt. Chị Yến phải bỏ nghề để đeo đuổi quá trình điều trị cho con.

Họa vô đơn chí

Trong căn phòng trọ chật hẹp trên đường Trần Văn Mười (ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM), dù chiếc quạt quay ù ù nhưng chị Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1985) vẫn không ngơi tay dùng khăn ướt lau mát cho bé Phạm Thái Trường (sinh năm 2010). Bởi chị sợ cái nóng làm cho căn bệnh u não của bé trầm trọng hơn, dễ bị biến chứng co giật hay đau đớn hành hạ con mình.

 Hiện chị Yến phải chăm sóc cho Trường từ miếng ăn cho đến vệ sinh cá nhân

Kể về những tháng ngày vất vả mà gia đình mình đang trải qua, chị Yến cho biết: “Em học trung cấp mầm non xong thì về quê ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập gia đình. Làm giáo viên mầm non được 1 thời gian thì vợ chồng em dành dụm đầu tư mở lớp mầm non tư thục ngay tại nhà nên cuộc sống cũng ổn định. Ngờ đâu chỉ trong vài năm, xui rủi đến liên tiếp khiến gia đình em lâm vào cảnh khốn cùng!”.

Đầu tiên là bố chị Yến (61 tuổi) bị tai biến, tuy may mắn qua khỏi nhưng vợ chồng chị phải đi vay mượn số tiền lớn để chữa trị cho cha. Trong những ngày lo lắng bệnh tình của chồng, mẹ chị Yến cũng bị đột quỵ. Để có tiền chữa trị cho mẹ và trả món nợ trước đó, năm 2017, vợ chồng chị Yến đành đóng cửa lớp học mầm non, bán nhà rồi gói ghém chút tài sản còn lại lên TPHCM tìm việc mưu sinh.

Khi lên TPHCM, 2 vợ chồng và 2 đứa con thuê phòng trọ để ở. Anh Phạm Quang Sinh (chồng chị Yến) xin làm nghề chở thuê cho sạp thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn. Còn chị Yến quay lại nghề cũ, xin đi làm giáo viên ở 1 trường mầm non tư thục. Mới đi làm được một thời gian thì vào ngày 26/3/2018, chị Yến bị sốt co giật ảnh hưởng đến dây thần kinh số 7, giật méo 1 bên mặt, mắt không nhắm lại được, yếu 1 bên người...

 Chị Yến vẫn còn bị di chứng cơn động kinh, 1 bên mặt bị giật méo sang 1 bên nhưng chị đã ngừng điều trị gần 1 năm nay để chăm sóc bé Thái Trường

Dù bị như vậy nhưng vì mưu sinh, chị Yến vẫn cố xin đi làm, cuối tuần rảnh lại lên viện điều trị. Khi chị Yến đang điều trị di chứng giật méo mặt thì nghe tin bé Phạm Thái Trường bị té ngã khi đi học, sau đó về nhà nằm bất động. Quá hoảng sợ, gia đình đưa đi thăm khám thì phát hiện bên trong não phải của bé có 3 khối u lớn, chèn ép não khiến cháu bị yếu dần, đau đớn toàn thân và không cử động được. Nghe Thái Trường bị bệnh hiểm nghèo, chị Yến đành bỏ dở điều trị cho mình để dồn sức lo cho con.

 Chị Yến vẫn còn bị di chứng cơn động kinh, 1 bên mặt bị giật méo sang 1 bên nhưng chị đã ngừng điều trị gần 1 năm nay để chăm sóc bé Thái Trường

Chỉ mong con được trở lại mái trường xưa

“Từ đầu tháng 4/2018, bé Trường đã hay bị đau đầu, nôn ói, lâu lâu bất chợt bị nhũn người té khụy xuống, leo cầu thang rất mất sức... Thỉnh thoảng bé đi học về có dấu trầy trụa vợ chồng em còn tưởng bị thầy cô, bạn bè đánh. Hỏi con thì nó nói bị ngã, tự dưng đang đứng thì ngã ra. Lúc đó em đang nằm viện nên cũng không để ý nhiều. Nào ngờ đâu đến giữa tháng 4/2018, cô giáo báo là bé bị bất tỉnh ở trường, cả nhà hoảng hốt đưa đi cấp cứu thì thấy bé bị suy yếu cả người mà không rõ nguyên nhân, sau chụp MRI não mới phát hiện trong đầu bé có 3 khối u chèn ép não”, chị Yến kể.

 Chị Yến mất 1 tháng trời đưa Trường đi nhiều bệnh viện cũng không tìm ra căn nguyên vì sao bé bị nôn ói, hay bất tỉnh, tứ chi yếu dần rồi liệt hẳn

 Mãi sau mới phát hiện Trường bị 3 khối u lớn trong não

Chị Yến bồi hồi nhớ lại những giây phút kinh hoàng: “Lúc ấy em sợ lắm. Một tay Trường cứ ôm đầu kêu đau, còn tay kia với 1 bên thân hầu như liệt hẳn, không nhúc nhích được. Nó cứ kêu “Mẹ ơi, cứu con! Mẹ ơi, cứu con!” mà em chỉ biết khóc. Em đành nghỉ dạy để đưa bé đi khắp các bệnh viện ở TP này điều trị. Sau gần nửa tháng xét nghiệm và theo dõi bệnh tình của bé, các bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng quyết định mổ tách bớt các khối u trong não để nó không chèn ép não bé nữa”.

Sau ca mổ lấy một phần khối u để trị triệu chứng, Trường tiếp tục được xét nghiệm và phát hiện bị chứng U lympho tế bào lớn lan tỏa, một chứng bệnh hiếm đối với trẻ em, nếu không điều trị dứt điểm thì các khối u vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Do đó, từ tháng 5/2018, Trường phải sang Bệnh viện Ung Bướu để điều trị bằng hóa chất. Đồng thời, bé phải tham gia tập vật lý trị liệu vì sau ca mổ, Trường hầu như không cử động được, không nói được.

 Sau ca phẫu thuật tách các khối u trong não, Trường liệt toàn thân, không nói được

 Sau 1 thời gian dài tập luyện Trường mới bập bẹ nói trở lại và có thể vịn tường đứng dậy, cử động tay chân dù còn rất yếu

Chị Yến tâm sự: “Lúc đó hầu em phải túc trực bên con 24/24. Lúc thì chăm cháu đau sốt, lúc cháu tỉnh thì vận động chân tay cho cháu khỏe mạnh. Nhờ may Trường đáp ứng thuốc tốt, sau 3 toa hóa trị và tập vật lý trị liệu, cháu đã có thể vịn tường đứng dậy được, nói lại được dù còn bập bẹ. Bởi vậy nên em hy vọng nhiều lắm. Nhưng quả thật lúc này nhà em không còn khả năng để đeo đuổi quá trình điều trị tiếp theo nữa vì kinh tế khánh kiệt”.

Hiện cả nhà chị sống nhờ vào tiền công chở thịt heo thuê của chồng, tiền công là 300.000 đồng/ngày, làm ngày nào, lĩnh ngày đó. Còn chị ở viện chăm bé Trường hầu như chỉ dám ăn cơm từ thiện. Con lớn của chị đang học lớp 7 phải đi bán vé số để kiếm tiền phụ mẹ lo cho em.

Suốt gần 1 năm qua, để có tiền điều trị bệnh cho chị và cho bé Trường, chị Yến đã vay mượn họ hàng người thân 50 triệu đồng, rồi lúc không xoay xở được phải vay nóng bên ngoài 50 triệu đồng với tiền lãi 30.000 đồng/1 triệu/tháng.

Chị Yến tặc lưỡi bảo: “Sau khi mổ não thì trường đã thi học kỳ xong từ lâu nhưng thầy cô thương cháu Trường nên tổ chức thi cho bé thi riêng để nó đủ điều kiện lên lớp 3. Giờ nó cứ đòi đi học hoài nhưng biết làm sao, đến đi tiêu tiểu em còn phải dìu nó đi thì làm sao mà đi học. Mà toa thuốc tới không có tiền vào thì em cũng không biết con có đứng dậy nổi nữa không..”.

 

 Mỗi đợt điều trị chi phí đều hơn 50 triệu đồng, nhờ có bảo hiểm mà gia đình chỉ phải đóng gần 15 triệu đồng

Chị Yến lo sợ Trường sẽ sớm rời bỏ mình mà đi vì đợt thuốc tới chị không còn biết xoay xở đâu ra mấy chục triệu đồng để cho con vào thuốc

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Mã số 3271: Chị Nguyễn Thị Hải Yến (mẹ bé Thái Trường)

Địa chỉ: ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM (hiện Trường đang điều trị tại phòng 305, lầu 2, khu B, bệnh viện Ung bướu TPHCM)

Điện thoại: 0938 253 906