Đà Nẵng: Vì sao các dự án xây dựng nhà máy nước cứ nằm trên giấy?

Admin
Hình thức liên doanh thành lập công ty cổ phần cấp nước có số vốn nhà nước dưới 30% để xây dựng các nhà máy nước đã được nhiều địa phương áp dụng, nhưng Đà Nẵng thì cứ chuyền qua, đẩy lại nên các dự án xây dựng nhà máy nước mới cứ nằm trên giấy!

Bài toán vốn nhà nước và nhà thầu Trung Quốc

Như tin đã đưa, trước tình trạng nhiều khu vực trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã đề xuất các phương án nâng công suất cấp nước của hệ thống. Bao gồm nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày lên 230.000m3/ngày (dự án đã được UBND TP Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư số 1046/QĐ-UBND ngày 27/2/2017).

 Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Dawaco trình bày với Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn về sư cấp thiết mở rộng nhà máy nước Cầu Đỏ và xây dựng thêm các nhà máy nước mới. Chuyến thị sát này diễn ra hồi tháng 5/2016 nhưng đến tháng 6/2017, dự án mở rộng nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn còn nằm trên giấy! (Ảnh: HC)

Dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày đã được BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 86/QĐ-BQLKCNC ngày 30/11/2016. Đối với dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 1305/UBND-KTĐN ngày 27/2/2017 thống nhất phương án đầu tư của Dawaco và đã trình xin ý kiến của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương không sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản mà cho phép Dawaco tự xây dựng nhà máy nước Hòa Liên bằng nguồn vốn huy động trong nước nhằm giảm giá thành cung cấp nước cho người dân Đà Nẵng. Cùng với đó là đầu tư xây dựng gần 40km đường ống chuyển dẫn chính D400 – D1200 theo dự án vay vốn ADB để đưa nước sạch từ nhà máy nước Hòa Liên và nhà máy nước Cầu Đỏ về TP.

Đáng nói là cả 3 dự án xây dựng nhà máy nước nói trên tuy đã được các cấp thẩm quyền thống nhất chủ trương, có dự án đã được phê duyệt từ cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn… nằm trên giấy.

Nguyên nhân, như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã thông tin tại hội nghị “HĐND với cử tri” ngày 6/6, là Đà Nẵng đang xúc tiến một số dự án liên quan đến vấn đề cấp nước nhưng thủ tục rất chậm. Vậy đó là những thủ tục gì?

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, khi triển khai các dự án nhà máy nước Hòa Liên, Cầu Đỏ và Hòa Trung, đơn vị này gặp phải khó khăn là các dự án này có vốn nhà nước chiếm trên 30% (Dawaco là Công ty cổ phần có 60% là phần vốn của nhà nước) nên các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn phải tuân thủ các quy định và quy trình của nhà nước, dẫn đến việc đầu tư xây dựng bị kéo dài do tốn nhiều thời gian thực hiện các bước theo quy định.

“Nếu theo kế hoạch này thì thời gian đưa vào sử dụng phần xây mới của nhà máy nước Cầu Đỏ sớm nhất là tháng 6/2020; nhà máy nước Hòa Trung khoảng tháng 2/2019 và nhà máy nước Hòa Liên khoảng tháng 12/2020, trong khi tình trạng thiếu nước trên địa bàn đang ngày càng trầm trọng. Đây thực sự là vấn đề hết sức bức xúc” – ông Hồ Hương cho hay.

Ông Đặng Thanh Bình, thành viên HĐQT Dawaco bổ sung thêm, do các dự án nêu trên có vốn nhà nước trên 30% nên theo quy định thì phải tiến hành đấu thầu. Trong thực tế, Luật Đấu thầu không cho phép bên mời thầu đưa ra yêu cầu xuất xứ hàng hóa nên đã có trường hợp nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đưa vào các vật tư, hàng hóa, thiết bị không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước sinh hoạt.

“Đơn cử, thời gian qua việc đấu thầu đường ống cho nhà máy nước Sông Đà đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận, dẫn đến phải hủy thầu và kéo dài thời gian xây dựng. Yếu tố này chắc chắn sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của Dawaco cũng như của xã hội. Theo luật quốc tế, đã đấu thầu thì không thể ngăn cản các nhà thầu Trung Quốc tham gia. Họ mà nhảy vào thì khả năng thắng thầu là rất lớn vì giá bỏ thầu rất thấp, còn hậu quả sau đó như thế nào thì thực tế ở nhiều địa phương cũng đã cho thấy rõ.” – ông Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.

" "
Nhiều nơi đã có lời giải, riêng Đà Nẵng vẫn… chuyền qua, đẩy lại!

Theo Dawaco, thực ra không phải không có lời giải cho bài toán nêu trên. Trong báo cáo gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng ngày 5/6, Dawaco cho hay, hiện có nhiều công ty cấp nước trong nước đã áp dụng hình thức liên doanh thành lập công ty cổ phần cấp nước có số vốn nhà nước dưới 30%.

Điển hình là TP Hà Nội đã giao Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội liên doanh với các nhà đầu tư để thành lập Công ty CP nước mặt Sông Đuống xây dựng nhà máy xử lý nước mặt công suất 600.000m3/ngày (gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 300.000m3/ngày) với mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Dự án đã được khởi công tháng 3/2017 và dự kiến hoàn thành trong khoảng 18 – 22 tháng.

TP.HCM cũng giao Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn thành lập 3 công ty để xây dựng 3 nhà máy nước, công suất mỗi nhà máy 300.000m3/ngày; trong đó có nhà máy nước Tân Hiệp II giai đoạn 2 công suất 300.000m3/ngày với vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng. UBND TP.HCM đã đồng ý thành lập Công ty CP Cấp nước Tân Hiệp với vốn góp của 3 đơn vị (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn 25%; Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM 42% và Công ty CP Cơ điện lạnh 33%.

“Công ty CP Cấp nước Tân Hiệp đã triển khai và hoàn thành dự án nhà máy nước Tân Hiệp II trong vòng 24 tháng. Ngoài ra, trên 15 Công ty cấp nước của các địa phương khác trong cả nước cũng đã áp dụng mô hình này để triển khai các dự án xây dựng nhà máy nước. Chính mô hình này đã giúp các địa phương có đủ nguồn cấp nước trong thời gian rất ngắn” – Báo cáo ngày 5/6 của Dawaco cho hay.

Ông Đặng Thanh Bình cũng bổ sung thêm, với hình thức liên doanh thành lập công ty cổ phần cấp nước có số vốn nhà nước dưới 30%, các công ty đó có quyền lựa chọn sử dụng các loại vật tư, thiết bị tốt, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước phát triển, và chỉ đấu thầu trong các nhà cung cấp vật tư, thiết bị đó để chọn được mức giá hợp lý nhất. Tương tự, với các gói thầu xây lắp thì họ cũng có thể lựa chọn được một số nhà thầu có năng lực để tổ chức đấu thầu hạn chế nhằm lựa chọn nhà thầu thi công với giá hợp lý nhất.

Theo ông Đặng Thanh Bình, nếu được áp dụng mô hình trên, Dawaco sẽ kết hợp với các nhà đầu tư có năng lực thực sự về tài chính và có kinh nghiệm trong ngành cấp nước để thành lập các doanh nghiệp mới thực hiện các dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ và tăng chất lượng công trình. Ngoài ra, khi liên doanh thì các nhà đầu tư sẽ góp vốn tự có nên giúp giảm chi phí lãi vay cho dự án.

“Thực hiện theo mô hình này, Dawaco có thể hoàn thành mở rộng nhà máy nước Cầu Đỏ vào tháng 6/2019 (thay vì tháng 6/2020 như nêu trên), hoàn thành nhà máy nước Hòa Trung tháng 11/2018 (thay vì tháng 2/2019). Với nhà máy nước Hòa Liên, TP sớm có phương án bố trí 106 lô đất tái định cư để hoàn thành giải tỏa mặt bằng thì với mô hình liên doanh này có thể triển khai xây dựng ngay trong quý 4/2017 và hoàn thành tháng 12/2019 (thay vì tháng 12/2020)!” – ông Đặng Thanh Bình cam kết.

Đáng nói là, theo ông Đặng Thanh Bình, Dawaco đã đề xuất phương án thành lập công ty liên doanh cũng như tập hợp hồ sơ của dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt Sông Đuống (Hà Nội), dự án nhà máy nước Tân Hiệp II (TP.HCM) để các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng tham khảo. Tuy nhiên qua nhiều tháng, mọi thứ vẫn đang bị các cơ quan này chuyền qua, đẩy lại mà không nơi nào có chính kiến rõ ràng để tham mưu cho lãnh đạo TP xem xét, quyết định.

Và do vậy, cả 3 dự án nhà máy nước Cầu Đỏ, nhà máy nước Hòa Trung và nhà máy nước Hòa Liên vẫn cứ nằm trên giấy, mặc cho nhiều khu vực dân cư trên địa bàn Đà Nẵng đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet