Đại biểu Quốc hội tranh luận quy định về sách giáo khoa

Admin
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh quy định một chương trình có một hoặc nhiều loại sách giáo khoa được các đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu ra tại phiên thảo luận dự án Luật giáo dục sửa đổi sáng nay, 4/4.

 Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)

 

Hôm nay (4/4), các đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến về Luật giáo dục sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trong thời gian qua là vấn đề chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) và thi tốt nghiệp THPT.

Đầu phiên họp, Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, có một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT, bảo đảm tính khả thi; một số ý kiến còn đề nghị quy định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng cũng có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa GDPT cũng như việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của luật và phù hợp với thực tiễn.

Đối với quy định chương trình, sách giáo khoa, Thường trực Ủy ban cho rằng, dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông, chuyển từ nền giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Theo đó, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa GDPT dựa trên nguyên tắc: Chương trình GDPT là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc. Chương trình GDPT xác nhận mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục…

Ủy ban thẩm tra đề nghị giữ như quy định dự thảo luật. Theo đó, chương trình GDPT được thực hiện thống nhất trong toàn quốc; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ phương án một chương trình chỉ có một sách giáo khoa trên cơ sở cân nhắc kỹ trước khi biên soạn cho phù hợp. Bởi theo ông nếu một chương trình mà có nhiều sách giáo khoa sẽ gây ra nhiều bất cập, lãng phí cho xã hội. “Quy định giao cho nhà trường lựa chọn, rồi tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh, nhưng phụ huynh họ biết gì đâu mà hỏi? Quy định như vậy cũng chỉ mang tính hình thức”, ông Hòa nói.

Đồng thời, đại biểu cũng nêu bất cập khi trong cùng trong 1 tỉnh, trường dùng sách này, trường dạy sách kia, rất phức tạp. Thay vào đó tại sao lại không có sách giáo khoa chung cả nước, để lúc học, lúc thi cũng dễ dàng, vì đây là kỳ thi chung quốc gia. “Thi chung còn sách giáo khoa lại nhiều, rồi mỗi năm thay đổi gây tốn kém cho gia đình, xã hội. Việc này phải xem xét cho phù hợp với thực tiễn”, ông Hòa nêu.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng không đồng tình với quan điểm một chương trình có nhiều loại sách giáo khoa riêng. Ông đặt vấn đề: Làm như vậy thì có ảnh hưởng đến học sinh không? Có ảnh hưởng đến kỳ thi quốc gia chung hay không?

“Nếu không có bộ sách chung, làm sao có kỳ thi chung được? Theo tôi nên thống nhất một loại sách giáo khoa chung, còn các loại sách khác để tham khảo”, ông Tiến nêu quan điểm.

Với quy định giao cho địa phương biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, ông cũng đề nghị phải làm rõ đó là tài liệu gì, nếu không mỗi địa phương lại biên soạn loại tài liệu khác nhau.

Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại ủng hộ quy định như trong dự thảo, bởi theo ông quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là phù hợp. Ông cho rằng, sách giao khoa chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Mặt khác các em cũng được lựa chọn, đồng thời cũng tận dụng được chất xám biên soạn sách giáo khoa, tránh một người biên soạn sẽ không có sự cạnh tranh.

Tiếp thu giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, cả nghị quyết 29 của Trung ương và nghị quyết 88 của Quốc hội đều nhấn mạnh một chương trình nhiều sách giáo khoa. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, sách giáo khoa giờ là tài liệu cơ bản, quan trọng nhưng không phải pháp lệnh, và người viết phải bám sát vào khung chương trình, nên dù viết thế nào thì khung cũng phải nhất quán trong toàn quốc, chứ không phải mỗi người viết một kiểu.