Đại dự án thua lỗ, vướng ở tổng thầu EPC: Tại mình

Admin
Những vướng mắc trong xử lý tranh chấp với các tổng thầu EPC là do chính Bộ Công thương, do quá trình thực hiện thương thảo hợp đồng không chặt chẽ.

Tự mình làm khó mình

Về báo cáo mới đây của ngành công thương, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ quan điểm, khó xử lý tranh chấp pháp lý đối với tổng thầu EPC tại các đại dự án thua lỗ kéo dài của ngành Công thương là trách nhiệm của ngành Công thương, của những người tham gia trực tiếp ký kết hợp đồng.

 Toàn cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Đánh giá một cách tổng quan, vị đại biểu hoan nghênh tinh thần, thái độ tích cực vào cuộc chỉ đạo xử lý 12 đại dự án thua lỗ trực thuộc đơn vị này quản lý theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua.

Nhưng vướng mắc tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương gặp khó khăn phức tạp mà nguyên nhân chính là các chủ đầu tư sơ hở trong đàm phán, triển khai các hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình là lỗi của ngành Công thương. Nhất là ở các dự án thực hiện theo dạng trọn gói (EPC) do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Việc buông lỏng giám sát, thực hiện hợp đồng EPC tại Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy bột giấy Phương Nam... đã khiến chủ đầu tư bị lép vế, chịu thiệt hại nặng nề.

Hiện số nợ phải trả thuộc 12 đại dự án thua lỗ đã lên tới 55 nghìn tỷ đồng đang để lại những hệ lụy rất lớn.

"Rõ ràng trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng đầu tư, hợp đồng cung cấp thiết bị, vật tư giữa Bộ Công thương với các nhà thầu có quá nhiều sơ hở, khiến ngành Công thương tự làm khó chính mình.

Rất lạ lùng khi Bộ Công thương là đại diện sở hữu nguồn vốn nhà nước làm chủ đầu tư, Tổng thầu EPC chỉ là đơn vị làm thuê nhưng ngành Công thương lại luôn ở thế bị động, bị nhà thầu dẫn dắt.

Do đó, với trách nhiệm của ngành Công thương phải tích cực vào cuộc, làm rõ những vướng mắc chỉ đạo giải quyết rốt ráo vấn đề này, kể cả phải đưa nhà thầu ra tòa án kinh tế để giải quyết tranh chấp pháp lý" - ông Hòa nêu quan điểm.

Vị ĐBQH nói rõ thêm, về mặt quản lý, ngành Công thương cũng phải nhìn nhận thẳng thắn về những lỗ hổng trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng như thế nào? Vì sao lại có những sai sót, khó khăn trong xử lý nhà thầu? Ai là người ký hợp đồng? Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về việc này, không thể trốn tránh.

"Tôi cho rằng, ngoài làm rõ những vướng mắc nói trên, còn phải làm rõ cả những yếu tố tiêu cực trong quá trình thực hiện ký hợp đồng với nhà thầu EPC tại các dự án này nữa. Ví dụ, có hay không chuyện nhà thầu dẫn dắt hợp đồng, giúp họ có lợi? Có hay không việc thỏa thuận, thương thảo làm tăng đội giá, hoặc sử dụng các thiết bị, công nghệ lạc hậu, giá rẻ để trục lợi...?

Tất cả đều phải làm cho rõ, một mặt để xử lý triệt để những vướng mắc trong tranh chấp với tổng thầu EPC, kể cả phải xử lý hình sự. Mặt khác cũng để trả lại sự trong sạch cho ngành Công thương nếu đơn vị này đã làm tốt.

Chỉ khi làm được như vậy ngành Công thương mới khiến người dân yên tâm, tin tưởng được", ĐBQH Phạm Văn Hòa thẳng thắn

Không tin đổ thêm tiền dự án sẽ hồi sinh

Tiếp tục nhìn nhận từng dự án được cho là đang hồi sinh của ngành Công thương như nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, nhà máy Thép Việt - Trung cùng nhiều dự án khác, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu đúng như đánh giá của Bộ Công thương thì đây là tín hiệu tốt, là cơ hội giúp ngành Công thương vực dậy những dự án đã bị đắp chiếu từ nhiều năm qua.

"Thái độ hồ hởi của ngành Công thương là tốt song kết quả có như báo cáo hay không? Nhà máy đó có thật sự đã làm ăn hiệu quả và có lãi hay không, các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chỉ cho rõ.

Về phía ngành Công thương phải có trách nhiệm tích cực xử lý, khắc phục hậu quả. Riêng với những dự án mà theo Bộ Công thương cho rằng đang chuẩn bị đợi bấm nút tái khởi động, cần phải được thẩm định, đánh giá rất kỹ lưỡng.

Quan điểm của tôi là kiên quyết không đổ thêm tiền ngân sách để cứu các dự án này. Tôi cũng không tin đổ thêm tiền các dự án thua lỗ sẽ được hồi sinh. Chúng ta không thể mạo hiểm đặt tiếp niềm tin đổ tiền dự án sẽ có lãi", vị ĐBQH tâm tư.

Đại dự án thua lỗ, vướng ở tổng thầu EPC: Tại sao?

Cũng theo vị đại biểu, đối với những dự án không có dấu hiệu hồi sinh thì cần phải có thái độ xử lý cứng rắn, quyết liệt, kể cả cho phá sản, giải thể theo đúng quy trình doanh nghiệp.

Là một ĐBQH, ông Phạm Văn Hòa luôn mong muốn các dự án sẽ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước.

Tuy nhiên, trước những khó khăn trước mắt, vị ĐBQH cũng mong muốn ngay tại kỳ họp Quốc hội này, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ có báo cáo trung thực, khách quan, trách nhiệm về hiện trạng cũng như tương lai của các dự án nói trên.

Bên cạnh đó, với tư cách là người đứng đầu, vị ĐBQH cũng mong muốn Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ nhìn nhận thẳng thắn về trách nhiệm của mình cũng như các biện pháp xử lý thích hợp.

"Tạm thời tôi đặt niềm tin Bộ Công thương sẽ làm tốt các chỉ đạo của Chính phủ nhưng tôi cũng mong Bộ Công thương sẽ thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, lãnh đạo thay vì đổ lỗi cho năng lực hạn chế, trình độ chuyên môn kém", ĐBQH Phạm Văn Hòa chia sẻ.