Đưa nông sản sạch Đà Lạt ra thế giới

Admin
Tỉnh Lâm Đồng cần đa dạng hơn nữa trong tiếp cận thị trường, chủ động sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, xuất khẩu nông sản sạch ra thị trường thế giới

Ngày 5-4, tại TP Đà Lạt, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng phát triển.

Tại buổi làm việc, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong cơ cấu kinh tế tỉnh, nông nghiệp đang chiếm 45%, dịch vụ 37%, công nghiệp xây dựng 18%. Hiện nay, nông nghiệp của Lâm Đồng được đánh giá đứng đầu cả nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

 Nông nghiệp công nghệ cao của TP Đà Lạt đã tạo ra nhiều nông sản được thị trường đón nhận

Năm 2018, trong kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước, Lâm Đồng đóng góp đáng kể như cà phê 170 triệu USD, chè 28 triệu USD, rau 30 triệu USD, hạt điều 26 triệu USD… "Tuy nhiên, so với tiềm năng và vị trí địa lý thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Đà Lạt nhưng sản lượng nông nghiệp của TP này chiếm chưa tới 20% cả tỉnh là còn rất thấp" - ông Phạm S nói.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng để phát huy được lợi thế nông sản chất lượng cao của TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, cần liên kết tạo sự kết nối cung cầu với các vùng tiêu thụ lớn trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... "TP Đà Lạt phải xây dựng được chợ đầu mối đạt tiêu chuẩn hiện đại để từ đây nông sản sạch của địa phương không chỉ được tiêu thụ trong cả nước mà còn xuất sang nhiều nước. Sắp tới, đơn vị Hiệp hội Chợ đầu mối quốc tế sẽ có cuộc làm việc với tỉnh Lâm Đồng, từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả để hỗ trợ Đà Lạt xây dựng chợ đầu mối đạt chuẩn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Đà Lạt đẩy mạnh bán hàng, giao dịch nông sản trên các sàn giao dịch thế giới" - ông Đông nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận trong nông nghiệp, thị trường là khâu then chốt. Vì vậy, địa phương cần có sự đa dạng hơn nữa trong tiếp cận thị trường, chủ động sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đặc thù. "Làm được điều này, trong tương lai, Lâm Đồng không chỉ dừng lại là trung tâm cung ứng hoa và các sản phẩm rau quả, trái cây cho cả nước mà phải trở thành thủ phủ nông sản sạch của khu vực và thế giới" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng.

Kiến nghị xem xét mở rộng dự án chế biến alumin

Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng được đánh giá hoạt động hiệu quả. Đến năm 2018, Công ty Nhôm Lâm Đồng khai thác quặng nguyên khai đạt trên 3,7 triệu tấn/năm, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm alumina hydrate vượt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm, tham gia giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động, trồng và phục hồi môi trường trên 58 ha cây keo, nộp ngân sách trên 300 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu alumin chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa trong việc phát triển ngành khai thác và chế biến alumin luyện nhôm thành ngành công nghiệp quan trọng. Chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng dự án đầu tư chế biến alumin; nghiên cứu dự án đầu tư sản xuất nhôm và các sản phẩm sau nhôm, hỗ trợ các dự án thu hồi quặng kim loại, sản xuất vật liệu không nung từ bùn đỏ qua khai thác, chế biến quặng bauxite, sản xuất alumin...