Frances Haugen: 'Facebook khó hồi phục nếu không loại Mark Zuckerberg'

Admin
Frances Haugen, người tố cáo các chính sách của Facebook, cho biết mạng xã hội chỉ có thể phục hồi nếu CEO Mark Zuckerberg từ chức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Frances Haugen đã chia sẻ về những điều cô cần công khai sau khi rời Facebook vào tháng 5/2021. Cựu quản lý sản phẩm của Facebook nhận định mạng xã hội này chỉ có thể thay đổi nếu Mark Zuckerberg ngừng điều hành.

Theo Frances Haugen, CEO Mark Zuckerberg tin rằng Facebook là “tấm gương phản chiếu” của thực tại và người dùng tỏ ra không hài lòng khi thấy những mặt tối của xã hội.

“Mark đã làm việc chung với một số thành viên quen thuộc kể từ khi anh ta 19 tuổi. Đây là những người ca ngợi Mark Zuckerberg đang làm một công việc tuyệt vời. Chúng ta có thể nguyền rủa Zuckerberg, nhưng nó sẽ không khiến anh ta thay đổi nhanh hơn”, Frances Haugen chia sẻ với Bloomberg.

 Frances Haugen cho biết Facebook không thể phục hồi vị thế nếu CEO Mark Zuckerberg vẫn lãnh đạo. Ảnh: Insider.

Haugen nói thêm rằng không giống như hầu hết công ty đại chúng khác, Zuckerberg đang nắm giữ 56% cổ phần của Facebook. Điều này giúp CEO Facebook có toàn quyền điều hành. “Ngay bây giờ, không ai có thể ngăn cản Mark Zuckerberg kiểm soát Facebook”, Haugen nói.

Haugen cho biết mình đã thu thập hàng chục nghìn trang tài liệu cho thấy Facebook cố tình làm ngơ, dù biết rõ một số tính năng đang gây tổn hại đến tâm lý của thanh thiếu niên. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng bị tố cáo có sự thúc đẩy bạo lực sắc tộc ở các nước như Ethiopia và không loại bỏ thông tin sai lệch trong cuộc bạo loạn ở Washington vào đầu tháng 1/2021.

Bên cạnh đó, Haugen cũng nói về một thay đổi thuật toán mà Facebook thực hiện vào năm 2018. Việc này nhằm mục đích thăm dò phản ứng từ người dùng, thay vì tăng cường thời gian riêng tư. “Tôi không nghĩ Facebook có thể phục hồi nếu Mark Zuckerberg vẫn là người lãnh đạo công ty”, Haugen nhận định.

Haugen cho rằng nội dung tiêu cực sẽ xuất hiện nhiều nhất ở những nơi có sự đa dạng về ngôn ngữ, cụ thể là mạng xã hội. Điều đó có nghĩa rằng người dùng đang sử dụng một ứng dụng có khả năng tiếp cận nhanh nhất với những nội dung độc hại.

Vào tháng 5, Insider đưa tin Daniel Motaung, một cựu quản trị viên nội dung của Facebook ở Kenya đã cáo buộc Meta tiếp tay cho nạn buôn người. Tại thời điểm đó, Motaung nói rằng anh ấy đã phải xem những hành vi độc ác trong quá trình kiểm duyệt nội dung trên Facebook.

“Thực tế, Mark Zuckerberg đã tăng gấp đôi sự quan tâm vào metaverse khi tôi đưa ra các vấn đề xung quanh nạn diệt chủng, thay vì làm cho các hệ thống vốn có trở nên an toàn hơn. Tôi nghĩ đây là một hành động vô nghĩa”, Frances Haugen nói thêm.

Tác giả: Minh Hoàng

Nguồn tin: zingnews.vn