Gỗ lậu 'rùng rùng' ra khỏi rừng giữa ban ngày

Admin
Thời gian qua người dân xã Tam Trà, huyện Núi Thành, Quảng Nam bức xúc chứng kiến việc lâm tặc chặt gỗ trái phép ở rừng phòng hộ và chở gỗ lậu ra khỏi rừng công khai giữa ban ngày.

 Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chở gỗ lậu ra khỏi rừng phòng hộ xã Tam Trà - Ảnh: LÊ TRUNG

[presscloud]http://media.danang24h.vn/video/2017/09/21/cho_go_lau_1505962762193_bd385.mp4[/presscloud]

Clip xe máy nối đuôi nhau chở gỗ lậu ra khỏi rừng phòng hộ xã Tam Trà - Thực hiện: LÊ TRUNG

Theo sự chỉ dẫn của người dân, ngày 20-9, PV Tuổi Trẻ men theo con đường mòn từ thôn Thuận Tân lên khu vực núi Chúa (thuộc khu rừng phòng hộ ở xã Tam Trà, huyện Núi Thành).

"Anh em đi truy bắt (lâm tặc) phải cải trang đủ thứ kiểu mới bắt được chứ không dễ. Các đối tượng có tai mắt, rất tinh vi, canh chừng kiểm lâm, thậm chí đi vệ sinh họ cũng biết".

Ông PHAN MINH HUẤN

Lâm tặc "hai bánh"

Đúng như người dân kể, đến 15h cùng ngày tại khu vực suối Trà Côn, có hơn chục chiếc xe máy chở hàng chục phách gỗ lậu nối đuôi nhau phóng bạt mạng trên đường mòn ra đường bê tông thôn Thuận Tân.

Nhiều phách gỗ quý còn mới cóng, dài 2-3m được lâm tặc chất lên xe máy chở đi. Có xe chở hai, ba phách kèm theo cả cưa máy.

Theo ông H. (một người trồng keo ở khu rừng phòng hộ này), chuyện lâm tặc chặt gỗ và vận chuyển bằng xe máy ra khỏi rừng diễn ra thường xuyên.

Đêm đến, các đối tượng này lên núi Chúa hạ gỗ, xẻ thành phách, khoảng chiều hôm sau thì dùng xe máy chở đến suối Trà Côn tập kết.

"Đêm đến có xe tải chở keo đến thì họ bỏ gỗ ngụy trang trong xe keo chở đi tiêu thụ. Mỗi lần họ đi hai, ba tốp với hàng chục chiếc xe máy. Gỗ chặt xong còn rọc thành phách, chở ra khỏi rừng công khai khiến nhiều người dân làm rẫy ở đây ngao ngán" - ông H. kể.

Bà N.T.M (52 tuổi, xã Tam Trà), kể thêm gỗ lâm tặc chở ra đường bê tông của thôn nhiều khi được gửi luôn ở nhà dân. Những người chở gỗ đều có người canh đường để báo cho họ biết khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra.

"Nhìn lâm tặc phá rừng, chở gỗ công khai người dân ở đây xót lắm nhưng không biết làm chi, cũng chẳng biết báo cho ai" -bà M. nói.

 Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chở gỗ lậu ra khỏi rừng phòng hộ xã Tam Trà - Ảnh: LÊ TRUNG

Lực lượng mỏng

"Chúng tôi chỉ bắt được một xe thì các đối tượng kia nhận thông tin tẩu thoát. Diện tích rừng của xã rất rộng nhưng lực lượng chức năng mỏng (chỉ có hơn 30 người) nên rất khó".

Ông NGUYỄN THANH BÌNH

Nhìn những hình ảnh Tuổi Trẻ cung cấp về đoàn lâm "tặc hai bánh", ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND xã Tam Trà - thừa nhận việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở khu rừng này thường xuyên xảy ra.

Nhưng theo ông, các đối tượng khai thác và vận chuyển rất "lẻ tẻ", chủ yếu ở các xã khác tới chặt từng cây chứ không phải hạ luôn cả khu rừng.

Theo ông Bình, núi Chúa thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh được Ban quản lý rừng phòng hộ này giao khoán cho xã quản lý, bảo vệ với hơn 5.000ha. Đội quản lý, bảo vệ rừng của xã có 28 người thường xuyên phối hợp với kiểm lâm truy quét để bắt các đối tượng này.

Tuy nhiên lâm tặc thường khai thác theo kiểu "du kích", chở gỗ vào ban đêm, lực lượng chức năng trực luôn đêm, chốt chặn để đón bắt nhưng các họ nắm thông tin rất nhanh.

"Chúng tôi chỉ bắt được một xe thì các đối tượng kia nhận thông tin tẩu thoát. Diện tích rừng của xã rất rộng nhưng lực lượng chức năng mỏng (chỉ có hơn 30 người) nên rất khó" - ông Bình nói.

Ông cho biết từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10m3 gỗ, thu 7 chiếc xe máy chở gỗ.

Theo ông Phan Minh Huấn - trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn số 2 (thuộc Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam) - tình trạng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép tại Núi Chúa diễn ra liên tục, lực lượng kiểm lâm bắt, xử lý rất nhiều. Nhưng đó là cuộc sống của họ ở gần rừng, "bu bám" tìm kế sinh nhai nên không thể giải quyết dứt điểm được.

"Anh em ở trạm làm rất nhiệt tình nhưng ở xã thì họ ngại va chạm. Công an xã hầu như bất lực, nói thẳng là các đối tượng chỉ sợ kiểm lâm chứ không sợ công an" - ông Huấn nói.

Từ đầu năm 2017 đến giờ lực lượng kiểm lâm bắt được hơn 20 vụ khai thác, vận chuyển gỗ lậu với hơn 7m3, năm 2016 thì bắt gần 30 vụ. Tuy nhiên ông không nắm được diện tích rừng ở núi Chúa bị chặt hạ trái phép.

Trả lời câu hỏi rằng lâm tặc chở gỗ lậu ban ngày một cách công khai như thế, có phải kiểm lâm quản lý yếu kém, ông Huấn cho rằng kiểm lâm lực lượng mỏng, trạm chỉ có mấy người, mức độ cũng có hạn.

"Anh em đi truy bắt phải cải trang đủ thứ kiểu mới bắt được chứ không dễ. Các đối tượng có tai mắt, rất tinh vi, canh chừng kiểm lâm, thậm chí đi vệ sinh họ cũng biết" - ông Huấn nói.