Hải Phòng: Khẩn trương xử lý sạt lở núi tại huyện Thủy Nguyên

Admin
Do ảnh hưởng của mưa bão và nền địa chất yếu, địa bàn huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng liên tục xảy ra sạt lở núi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, đến ngày 15/9, địa bàn có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, xã Quảng Thanh có 3 điểm sạt lở đất, đá khiến 5 gia đình bị ảnh hưởng. Xã Hòa Bình có 3 điểm sạt lở đất đá làm ảnh hưởng đến 5 gia đình. Địa bàn xã Lưu Kiếm có một điểm trượt, sạt đất núi tại hộ gia đình ông Vũ Văn Hòa, chân núi Mán, thuộc thôn Giữa.

Vết sạt dài 20m, cao 1 m, lượng đất sạt khoảng 200 m3, gây vỡ bờ kè tường bao đá của hộ gia đình, đất núi sạt lở áp sát công trình nhà chính gây nứt tường, vỡ cửa ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn công trình nhà ở. Tại Trung đoàn 836, thị trấn Núi Đèo, một điểm trượt sạt đất núi, vết sạt dài 50m, cao 30m, lượng đất sạt khoảng 200 m3.

Ông Đặng Văn Lành và ông Hoàng Văn Chính thôn Nứa cho biết, những trận mưa lớn do ảnh hưởng bởi bão số 3 đã làm đất đồi phía sau vốn có địa chất yếu lại càng yếu thêm. Sau khi mưa lớn, quả đồi bị sạt dài 35m, cao 15 m, lượng đất đá sạt lở ước tính trên 200 m3, gây sập gần 50 m2 mái tôn của hai nhà.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan di dời toàn bộ người trong những gia đình bị ảnh hưởng ra khỏi nơi nguy hiểm, đồng thời bố trí, sắp xếp chỗ ở tạm thời an toàn cho nhân dân đến khi xử lý dứt điểm sự cố sạt lở đất, đá. Địa phương tổ chức căng dây bao quanh khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo và tuyệt đối không cho người dân hiếu kỳ đến gần khu vực sạt lở đất, đá; thường xuyên kiểm tra, phát hiện vụ sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn xã, báo cáo diễn biến mới về UBND huyện.

Trước tình hình trên, UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn hỏa tốc giao UBND huyện Thủy Nguyên tiếp tục phong tỏa khu vực sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khu vực sạt lở; chủ động bố trí, hỗ trợ người dân trong khu vực sạt lở tạm lánh tại khu vực an toàn; thực hiện ngay biện pháp khoanh vùng, cảnh báo ở khu vực có nguy cơ sạt lở theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở, khẩn trương thực hiện biện pháp xử lý khẩn cấp theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản trên. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện sự cố phát sinh để chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực theo thẩm quyển và quy định của pháp luật; đề xuất giải quyết vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố theo quy định. Ngành chức năng tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp tự ý đào xẻ đất đá khu vực sườn dốc để mở rộng mặt bằng, xây dựng công trình hoặc khai thác tài nguyên trái phép gây nguy cơ sạt lở.

UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tổng thể nguy cơ sạt lở đất đá trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; đề xuất phương án xử lý đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện xử lý sự cố theo quy định.

Tác giả: Hoàng Ngọc

Nguồn tin: Báo Tin tức