Hải Phòng: Thêm một xã người dân nói phải nộp 140.000 đồng làm căn cước

Admin
Nhiều người dân ở xã An Thái, huyện An Lão, tỉnh Hải Phòng cho biết họ phải nộp mức phí làm căn cước công dân gắn chip cao gấp nhiều lần so với quy định.

 

Ngày 10/4, Zing đưa tin, sau phản ánh việc người dân ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, phải nộp 100.000 đồng để làm căn cước công dân gắn chip, người dân ở xã An Thái, huyện An Lão, Hải Phòng cho biết họ cũng nộp mức phí cao gấp nhiều lần so với quy định tại Thông tư số 112/2020 của bộ Tài chính.

Theo đó, đầu tháng 3, nghe tin tổ công tác về cấp căn cước công dân gắn chip, vợ chồng bà Nguyễn Thị Túy (59 tuổi, thôn Quán Bế, xã An Thái) đã đến UBND xã làm thủ tục.

Theo phản ánh, bà Túy và chồng nộp tổng cộng 280.000 đồng, bao gồm phí chuyển đổi từ căn cước công dân cũ sang loại gắn chip và tiền chuyển phát nhanh. Số tiền này không được ghi biên lai.

“Họ thông báo tiền phí mỗi người 140.000 đồng, còn nếu lên huyện làm mất 100.000 đồng. Hôm đó đông người, chúng tôi nộp nhanh rồi về chứ cũng không biết bao gồm những khoản gì”, bà Túy kể.

Một trường hợp khác là bà Vũ Thị Cốm (59 tuổi, thôn Quán Bế) cũng xác nhận đã nộp 280.000 đồng khi cùng chồng chuyển đổi sang căn cước công dân gắn chip.

 Ông Ngô Văn Lễ (thương binh ở Hải Phòng) từng nộp 140.000 đồng khi làm căn cước gắn chip nhưng sau đó được hoàn tiền. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Đáng chú ý, ông Ngô Văn Lễ (56 tuổi, thương binh ở thôn Tiên Cầm 3) cũng nộp 140.000 đồng dù ông thuộc diện được miễn phí theo Thông tư số 59/2019 của Bộ Tài chính.

Ông Lễ cho biết hôm làm thủ tục, ông cùng con trai 28 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đến UBND xã An Thái. Thấy trường hợp của họ đặc biệt, cán bộ đã ưu tiên giải quyết trước và miễn lệ phí cho con trai ông Lễ. Còn ông vẫn phải nộp 140.000 đồng.

“Cán bộ hỏi lên huyện để nhận căn cước hay chuyển về tận nhà. Tôi chọn về tận nhà và nộp tiền cho 2 cán bộ mặc thường phục. Lệ phí nộp không có biên lai”, ông Lễ kể.

Ngày 7/4, bà Cốm và một số người dân nhận thông báo sẽ được hoàn lại số tiền dư 85.000 đồng/người. Đến nay, họ đã nhận lại đủ số tiền.

Về việc này, một trưởng thôn tại xã An Thái xác nhận việc được ủy quyền trả lại tiền phí làm căn cước cho người dân. “140.000 đồng, chúng tôi trả lại 85.000 đồng. Trường hợp đã nộp 100.000 đồng, chúng tôi trả lại 45.000 đồng”, vị này nói.

Theo báo Lao động, liên quan đến phản ánh của người dân, Thượng úy Đỗ Trọng Nghĩa - Trưởng Công an xã An Thái khẳng định, trong thời gian Tổ công tác Công an huyện về địa phương làm thẻ căn cước gắn chíp cho bà con (từ chiều 8/3 đến đêm 12/3), việc thu phí làm thẻ do tổ công tác của huyện thu, công an xã không thu bất cứ lệ phí nào trong quá trình người dân đến làm thẻ căn cước.

Cũng theo thông tin từ Công an xã An Thái, trong đợt 1 từ ngày 8/3 đến ngày 12/3, toàn xã có khoảng 1.600 người được làm thủ tục cấp thẻ căn cước gắn chip. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về phí làm thẻ thu tại xã cao hơn quy định, lãnh đạo công an huyện chỉ đạo để công an xã phối hợp các thôn trả lại phí “ship” cho người dân (30.000 đồng/người), có danh sách kèm theo.

Trung tá Phạm Duy Thành - Phó Công an huyện An Lão (phụ trách Quản lý hành chính) cho hay, công an huyện có nhận được phản ánh người dân về việc thu phí cấp căn cước công dân gắn chip tại xã An Thái và đang xác minh, làm rõ thông tin trên. Vị này khẳng định, công an huyện không có chỉ đạo về việc thu 140.000 đồng làm căn cước công dân gắn chip.

“Ngoài lệ phí cố định cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đơn vị thu tiền chuyển phát nhanh (30.000 đồng/người). Trong đó, có gia đình 2-3 người cùng làm thủ tục nên việc thu 30.000 đồng/người là chưa đúng” - Trung tá Thành nói.

Về trường hợp một thương binh xã An Thái thuộc diện được miễn lệ phí làm thẻ căn cước nhưng vẫn phải nộp tiền, Phó trưởng Công an huyện An Lão cho biết, sẽ xác minh ngay trường hợp này. Nếu đúng như người dân phản ánh, Công an huyện sẽ hoàn tiền và xin lỗi người dân.

Đến 9/4, ông Ngô Văn Lễ (thương binh) cho hay đã nhận lại số tiền 140.000 đồng làm căn cước công dân gắn chip.

Tác giả: Quốc Tiệp

Nguồn tin: nguoiduatin.vn