Hàng loạt Khu công nghiệp ở Hải Phòng hoạt động không phép nhiều năm

Admin
Trước 30/9/2020, cơ bản các KCN tại Hải Phòng chưa có quyết định thành lập, tuy nhiên đã thu hút doanh nghiệp vào xây dựng các dự án, hoạt động sản xuất nhiều năm nay.

Cụ thể như: KCN Nam Đình Vũ 2, thuộc phường Đông Hải 2 và phường Tràng Cát, quận Hải An, tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, do Công ty CP KCN Hải Phòng làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009.

KCN An Dương, giai đoạn 1, thuộc xã An Hòa, xã Hồng Phong và xã Bắc Sơn, huyện An Dương, rộng 196,10ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, do Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008.

KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tại khu vực đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, thuộc KCN Đình Vũ – Cát Hải, rộng 526,81ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng, do Công ty CP KCN Đình Vũ làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014.

KCN Nam Cầu Kiền tại huyện Thủy Nguyên, rộng 263,47ha, tổng vốn đầu tư hơn 789 tỷ đồng, do Công ty CP Shinec làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008.

KCN Nam Đình Vũ giai đoạn 2, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, rộng 377,46ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, do Công ty CP KCN Đình Vũ làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008.

KCN Tràng Duệ giai đoạn 2, thuộc các xã Hồng Phong, An Hòa, huyện An Dương, rộng 201, 96ha, tổng mức đầu tư là 1.000 tỷ đồng, do do Công ty CP KCN Sài Gòn – Hải Phòng làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014.

 KCN Tràng Duệ - giai đoạn 1 được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 nhưng đến 30/9/2020 mới có quyết định thành lập KCN. Ảnh: Đinh Mười.

Khu công nghiệp và dịch vụ Hàng Hải, thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An, rộng 132,69ha, tổng mức đầu tư là 505 tỷ đồng, do Công ty CP Công nghiệp Hồng Đức làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011.

Khu Công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 1, vị trí tại các xã Lê Lợi, An Hòa, Bắc Sơn, huyện An Dương, rộng 187, 81ha, tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng, do do Công ty CP KCN Sài Gòn – Hải Phòng làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007, lần 2 thứ 2 năm 2019....

Theo tìm hiểu của NNVN, các KCN này đã thu hút doanh nghiệp vào xây dựng các dự án, hoạt động sản xuất nhiều năm nay. Tuy nhiên, mới đây sau báo chí vào cuộc phản ánh, ngày 25/9/2020) Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Hải Phòng mới có tờ trình gửi UBND TPP Hải Phòng. Sau đó, ngày 30/9/2020, UBND TP Hải Phòng mới ban hành 10 quyết định thành lập các KCN bao gồm 8 KCN nói trên, KCN và dịch vụ Hàng Hải và Khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.

Sự chậm trễ này khiến nhiều doanh nghiệp tại các KCN nói trên phản ánh không được hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu như quy định, khiến môi trường đầu tư tại Hải Phòng bị ảnh hưởng. Đơn cử như mới đây, một đơn vị đầu tư kinh doanh tại KCN Nam Cầu Kiền là Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật (VJE) lên tiếng phản ánh rằng doanh nghiệp đã không được Chi cục Hải quan Khu chế xuất - khu công nghiệp Hải Phòng chấp thuận miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị cho nhà máy do KCN này chưa có quyết định thành lập.

Theo Sở Tư pháp Hải Phòng, căn cứ theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày các văn bản: quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư… được ban hành, BQLKKT phải trình UBND cấp tỉnh/thành phố thành lập KCN, KCN mở rộng.

Do đó, việc chậm trễ trong việc ban hành quyết định thành lập của KCN ở Hải Phòng, ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp thì trách nhiệm thuộc về BQLKKT Hải Phòng trong việc tham mưu, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo để thẩm định và ban hành quyết định.

TP Hải Phòng hiện nay có 12 KCN với khoảng 450 dự án trong và ngoài nước đang đầu tư, trong đó có 311 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư gần 13.580 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 136.350 tỷ đồng.

Để thu hút đầu tư vào các KCN, những năm qua, TP Hải Phòng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà nhà đầu tư như: thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... những ưu đãi này, được BQLKKT Hải Phòng ghi rõ trong giấy chứng nhận đầu tư.

 

Tác giả: ĐINH MƯỜI

Nguồn tin: nongnghiep.vn