Hội chọi trâu Đồ Sơn thu phí giữ xe giá 'cắt cổ'

Admin
Năm đầu tiên không bán vé vào cửa, giá gửi ôtô hội chọi trâu ở Hải Phòng dao động từ 150.000 đến 250.000 một xe.

 Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018 gây một số dư luận tiêu cực. Ảnh: Giang Chinh

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2018 vừa kết thúc với hàng chục nghìn người tham dự - con số đông nhất từ trước đến nay. Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn sức chứa 12.000 người luôn chật kín, hàng nghìn người khác không được vào sân nên đành phải ra về.

Đây là năm đầu tiên sau nhiều năm, hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và không bán vé dự hội theo công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự hội chọi trâu, nhiều khán giả bất ngờ khi giá vé tại điểm trông xe của Ban tổ chức cao hơn cả giá vé vào cửa xem chọi trâu cộng chi phí gửi xe của những năm trước.

Cụ thể, giá trông ôtô 4-7 chỗ là 150.000 đồng; trên 7 chỗ là 200.000-250.000 đồng/xe... Giá này được nhiều chủ xe nhận xét là "cắt cổ", khi quy định của thành phố về mức phí trông xe theo lượt dao động khoảng 25.000-30.000 với các loại ôtô.

Ngoài ra, giấy mời có dấu đỏ và chữ ký của lãnh đạo quận được "dân phe" rao bán công khai trước cổng vào đấu trường với giá 100.000 đồng/vé đơn, 150.000 đồng/vé đôi.

Các chủ trâu cũng phản ánh, số tiền chủ trâu đóng “lệ phí” để được thi đấu là gần 1 tỷ đồng cho 16 trâu (thấp nhất 50 triệu và cao nhất 60 triệu đồng), trong khi tổng giá trị giải thưởng chỉ là 150 triệu đồng, trâu vô địch được trao 70 triệu đồng.

 Vé trông xe xem chọi trâu không ghi ngày tháng, không niêm yết giá. Ảnh: Giang Chinh

Làm việc với VnExpress ngày 21/9, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, ông Hoàng Trung Hiếu, nói những nội dung phản ánh trên là đúng và quận xin được tiếp thu.

Về giá vé trông xe, theo ông Hiếu trước ngày diễn ra lễ hội, UBND quận Đồ Sơn đã họp và phân công cho Trung tâm Văn hóa Thể thao quận bố trí nhân sự để trông xe cho nhân dân và du khách tại công viên Đầm Vuông; đồng thời cấm các đơn vị khác lập bãi trông xe để tránh loạn giá vé. Quận đã yêu cầu trung tâm phải công khai, niêm yết giá theo bảng giá quy định của Nhà nước.

“Không biết trung tâm làm như thế nào nhưng ngay trong sáng diễn ra lễ hội, báo chí đã gọi điện cho tôi phản ánh về việc giá vé xe thu cao, vé không ghi số xe cũng như giá tiền...”, ông Hiếu nói. Ông cho biết quận đang chờ giám đốc trung tâm báo cáo việc này, sau đó xem xét kỷ luật với người đứng đầu và các cá nhân liên quan.

 Phe giấy mời trước của sân vận động ngày khai mạc Hội chọi trâu. Ảnh: Giang Chinh

Việc giấy mời bán công khai, ông Hiếu khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, ông lý giải có thể do các chủ trâu được ban tổ chức tặng giấy mời, nhưng họ không sử dụng hết nên mang bán.

Trước thắc mắc chủ trâu đóng phí thi đấu cao nhưng giá trị giải lại thấp, ông Hiếu cho rằng nhiều năm nay quận không sử dụng ngân sách tổ chức hội choi trâu mà dựa vào xã hội hóa, trong đó có tiền bán vé (1 tỷ đồng), tiền các nhà tài trợ, tiền các chủ trâu tự nguyện đóng, tiền dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên, năm nay, Ban tổ chức “thất thu” vì không được bán vé. Do vậy, giá trị giải thưởng sẽ bị giảm đi.

Cũng theo ông Hiếu, Ban tổ chức không bắt buộc các chủ trâu đóng góp, không có mức đóng góp sàn mà trên tinh thần vận động ai có nhiều góp nhiều, ai có ít đóng ít, còn ai không có quận không bắt buộc. Số tiền gần 1 tỷ đồng các chủ trâu đóng góp, phường giữ lại 50%, còn 50% chuyển về cho ban tổ chức để trang trải cho lễ hội.

Việc chi những khoản gì và tổng số tiền thu được từ tất cả các nguồn là bao nhiêu, ông Hiếu nói "chưa tổng kết lễ hội nên chưa có con số cụ thể" và "chỉ cung cấp con số đó cho cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra".