Lễ hội tình yêu - hòn Trống Mái

Admin
Hòn Trống Mái không chỉ là một danh thắng nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích, danh thắng cấp quốc gia mà còn gắn liền với một huyền thoại về tình yêu thủy chung, son sắt, về tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng.

Vừa qua, UBND thành phố Sầm Sơn đã xây dựng đề cương “Lễ hội tình yêu - hòn Trống Mái, Sầm Sơn”. Những tài liệu có liên quan tại thành phố Sầm Sơn đã được thu thập; lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác tổ chức hoạt động của Lễ hội tình yêu - hòn Trống Mái; tổ chức các hội thảo, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong lễ hội...

 Hòn Trống Mái.

Đề án Lễ hội tình yêu - hòn Trống Mái, Sầm Sơn (giai đoạn 2018 - 2025) cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ.

Mục tiêu của đề án là xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, độc đáo cho Sầm Sơn nói riêng và du lịch Thanh Hóa nói chung; giáo dục truyền thống tình yêu đôi lứa bền chặt, hạnh phúc, gia đình bền vững của người dân Việt Nam.

Trong định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Sầm Sơn đưa ra giải pháp tổ chức lễ hội tình yêu gắn với chủ đề “Trống Mái Sầm Sơn - tình yêu vĩnh hằng”.

Đây là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới lạ, lần đầu tiên có mặt tại thành phố du lịch Sầm Sơn, nhằm khai thác hiệu quả hơn khu vực hòn Trống Mái, đồng thời góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch thành phố biển này.

Dự kiến lễ hội “Trống Mái Sầm Sơn - tình yêu vĩnh hằng” sẽ được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ mùa du lịch 2019 tại khu vực hòn trống mái, trên núi Trường Lệ, để tôn vinh tình yêu, để những người yêu nhau ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh niên có cơ hội thể hiện tình cảm với nhau.

Hòn Trống Mái nằm trên dãy núi Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn với hai hòn - hòn Trống nằm bên đông, hòn Mái nằm bên tây cách nhau khoảng 50cm với hình dáng như đôi chim “khổng lồ” đang tựa đầu vào nhau. Điều kỳ diệu là mặc dù nằm ở thế chênh vênh nhưng trải qua hàng nghìn năm nay, hòn Trống Mái vẫn bền vững cùng với thiên nhiên và thời gian.

Đây là một trong những địa danh được tạo hóa ban tặng cho vùng đất Sầm Sơn, gắn liền với sự tích về chuyện tình son sắc thủy chung mà người dân nơi đây kể lại.

Chuyện xưa kể rằng, vào một năm nọ nước biển dâng cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển, hai vợ chồng nghèo may mắn bám vào cây gạo trên núi mà thoát chết. Tuy nước biển đã rút nhưng chẳng có gì để ăn, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi đoán rằng ở đó có thức ăn được. Người chồng cố len lên tìm chút gì đó bỏ vào bụng để hai người qua cơn đói.

 Mặc dù nằm ở thế chênh vênh nhưng trải qua hàng nghìn năm nay, Hòn trống mái vẫn bền vững cùng với thiên nhiên và thời gian.

Người vợ ngóng mãi không thấy chồng trở lại, chị lê bước theo dấu chân đi tìm chồng. Đến chân núi, chị thấy một đàn qụa đen chao lượn, đập cánh, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị gượng dậy bò lên đỉnh núi. Trước mắt chị là người chồng đã qua đời, chị gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng.

Tình cảm vợ chồng thiêng liêng của họ đã khiến thần tiên cảm động liền hóa phép cho họ thành đôi chim ngày ngày bên nhau mãi không rời. Đến kì hạn họ phải về trời nhưng nhìn xóm làng, quê hương, biển cả, đôi chim xin thần tiên cho ở lại trần thế. Họ được hóa đá để mãi mãi gắn liền với vùng đất thân yêu.

Du khách về với Sầm Sơn không chỉ được đắm bình trong dòng nước biển mà còn được nghe về chuyện tình cảm động. Ngày nay, nhiều đôi trai gái yêu nhau thường tìm đến hòn Trống Mai để mong muốn tình yêu của họ luôn bền chặt, mãi không xa rời.