Nam sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo vì bị hỏi sao không thuộc bài

Admin
Nam sinh liên tục sử dụng lời lẽ tục tĩu, khó nghe khi thầy giáo hỏi vì sao không thuộc bài. Cậu tuyên bố: \"Thằng này không sợ ai đâu, không nịnh bợ ai đâu, thích thì lên phòng đào tạo solo\".

[presscloud]/uploads/video/2021/09/23/Nam_sinh_v__ng_t___c______i__solo__v___i_th___y_gi__o_v___b____h___i_sao_kh__ng_thu___c_b__i___B__o_D__n_tr__.mp4[/presscloud]

Nam sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo vì bị hỏi sao không thuộc bài

Đoạn video quay lại cảnh tranh cãi gay gắt trong lớp học online đang gây xôn xao các diễn đàn học sinh, sinh viên.

Cuộc hội thoại trong video cho thấy một nam sinh tranh luận với giáo viên. Giáo viên hỏi: "Vì sao em không đi thi? Vì sao em không thuộc bài?"

Nam sinh đáp lại bằng thái độ thách thức: "Hẳn là phải thi rồi. Sao bây giờ thầy lại bắt bẻ như thế"; "Hôm nay người ta vẫn đang tập luyện các kiểu, thầy lại bảo là không thuộc bài nọ kia".

Thậm chí, nam sinh còn buông những lời xúc phạm giáo viên "Có tài mà không có đức thì vứt"; hay hỏi thầy giáo là "Thầy có học kinh tế không? Có học marketing, học Đại học Harvard không? Thầy có làm được cái gì không?"...

Đối diện với thái độ khó thiện cảm của học trò, thầy giáo giữ bình tĩnh nói: "Em cứ nói xong đi rồi thầy nói".

Tuy vậy, nam sinh cũng vẫn không kiềm chế sự nóng nảy mà còn lấn tới, văng tục và còn đòi "solo" với thầy giáo. Cụ thể, nam sinh nói: "Vớ va vớ vẩn. Thích thì lên phòng đào tạo solo (từ ngữ thường dùng trong game online, chỉ việc đánh nhau tay đôi)".

Quá "choáng" trước thái độ của bạn học, một nữ sinh lên tiếng xen ngang: "Thầy quá hiền rồi".

Cuối video, nam sinh vẫn giữ thái độ thách thức và chủ động thoát ra khỏi lớp học, không quên buông thêm một câu: "Ok buổi học này hôm nay tao nghỉ".

Sau khi nam sinh tự ý bỏ học, thầy giáo hỏi các sinh viên khác trong lớp: "Như vậy các bạn đánh giá thầy sai hay thầy đúng?".

Tập thể sinh viên khẳng định: "Bạn kia sai. Sai hoàn toàn".

Video này đang được lan truyền trên nhiều diễn đàn học sinh, sinh viên. Dân mạng cho rằng, người giáo viên trong tình huống này đã xử sự quá tuyệt vời, trên hết là rất bình tĩnh khi đối diện với lời lẽ xúc phạm của sinh viên. Một số bình luận tiêu biểu như: "Kính nể thầy giáo, một thái độ bình tĩnh quá đỉnh cao"; "Thầy giáo xử sự trên cả tuyệt vời"; "Tôi xem clip còn thấy nóng mặt không chịu được mà thầy giáo không hề tức giận"...

Mặt khác, đa số dân mạng cho rằng thái độ của nam sinh trong video là khó chấp nhận: "Đây cũng là sinh viên sao"; "Bạn nam này không biết tôn sư trọng đạo là gì"...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học online trong video là của trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Lớp dạy môn võ vovinam - môn học được coi như giáo dục thể chất của trường cao đẳng này.

Về vụ việc này, ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ trên mạng xã hội, nhà trường đã liên hệ với sinh viên để làm tường trình sự việc, đồng thời cũng liên hệ với gia đình của sinh viên. Gia đình sinh viên cho hay, hiện tại sức khỏe và tâm lý của nam sinh này đang bất ổn và đang được chăm sóc tại trạm xá.

Hiệu trưởng nhà trường kêu gọi sinh viên không bàn luận thêm về việc này, đồng thời mong muốn các phương tiện truyền thông tránh tạo áp lực cho sinh viên.

Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện truyền thông nhà trường cho biết, hiện tại, nhà trường đang họp bàn và sẽ thông tin tới báo chí.

Ở diễn biến khác, mấy ngày vừa qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện video về những vụ việc giáo viên cư xử thiếu chuẩn mực, điển hình là mắng chửi học trò "óc trâu", hay đuổi học trò ra khỏi lớp vì học trò hỏi lại...

Những vụ việc lời qua tiếng lại không mấy hay ho giữa thầy và trò trong lớp học online thời gian gần đây cho thấy một vấn đề mà ngành giáo dục cần phải chấn chỉnh ngay, đó là môi trường sư phạm trên không gian mạng.

Việc học online là "chẳng đặng đừng", do tình thế bắt buộc, trong khi ngành giáo dục chưa được chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết nhưng cũng rất cần được tối ưu hóa để tạo môi trường học tập lành mạnh, vui vẻ cho cả người dạy và người học.

Chuyên gia tâm lý giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích : "Đây là giai đoạn chúng ta "tổng diễn tập" dạy học online, còn nhiều vấn đề phải xử lý. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như các trường có thể cho ra đời những bài giảng mẫu về thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả giáo viên và học sinh. Vấn đề này cần phải quan tâm ngay".

Tác giả: Quỳnh Anh

Nguồn tin: Báo Dân Trí