Người dân Hải Phòng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị

Admin
Hầu hết các ý kiến nhất trí với chủ đề Đại hội XIII của Đảng và cho rằng chủ đề này đã thể hiện cách nhìn toàn diện, với quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

 (Nguồn: Thanhphohaiphong.gov.vn)

Nhân dân thành phố Hải Phòng đã, đang đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược rất sát, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao

Về chủ đề Đại hội, hầu hết các ý kiến nhất trí với chủ đề Đại hội XIII của Đảng và cho rằng chủ đề này đã thể hiện cách nhìn toàn diện, với quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một số ý kiến đề nghị không ghi "đến giữa thế kỷ 21" mà cụ thể bằng mốc thời gian. Điều đó sẽ khẳng định mục tiêu, quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu ấy...

Quan tâm đến một trong những nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị - đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất kiêm người đồng đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng nhất trí với định hướng đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững như dự thảo.

Ông Đỗ Quang Hưng đề nghị nghiên cứu và luật hóa vấn đề sở hữu: các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm giữ, các lĩnh vực, địa bàn không có đầu tư nước ngoài, Nhà nước tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn Nhà nước làm ăn hiệu quả, có lãi để giữ vững an ninh kinh tế.

Nhà nước tập trung đầu tư phát triển những ngành công nghiệp có tính nền tảng, có lợi thế so sánh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, có ý nghĩa đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Thúc đẩy thay thế mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên-chế biến-sử dụng-thải bỏ-ô nhiễm) bằng kinh tế tuần hoàn (chu trình khép kín đối với tất cả các tài nguyên được sử dụng: sản xuất-sử dụng-tái sử dụng-tái chế-tái sinh); đẩy nhanh việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, trong đó chủ đạo là cộng sinh công nghiệp (phấn đấu chất thải bằng 0).

Theo ông Đỗ Quang Hưng, cần có chính sách đầu tư phát triển nền nông nghiệp sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, có giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; ban hành chính sách cụ thể về tích tụ ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; hạn chế các dự án chiếm dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực... Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng nhanh giá trị tạo ra trên 1 đơn vị diện tích đất.

Ông Đỗ Quang Hưng nhận định nội dung 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị rất sát, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.

Liên hệ với Hải Phòng, ông Đỗ Quang Hưng chia sẻ soi chiếu với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, có thể nói Hải Phòng đang đứng trước thời cơ, vận hội mới.

Hải Phòng xác định mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, trung tâm du lịch quốc tế.

Thành phố phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

Đề cập đến chiến lược và định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, ông Đỗ Quang Hưng cho rằng với vị trí là thành phố có cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc và những ưu thế vượt trội về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, Hải Phòng đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn.

Các dự án công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao hiện nay thường rất quan tâm đến yếu tố môi trường sản xuất xanh, hiện đại khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Để thu hút được dòng vốn này, Khu công nghiệp Đình Vũ - khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các khu công nghiệp, khu kinh tế khác của thành phố cũng phải chuyển mình để trở thành một khu công nghiệp thế hệ mới, khu công nghiệp sinh thái với mô hình quản lý và sản xuất thông minh.

 Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

"Là một đơn vị phát triển khu công nghiệp, chúng tôi coi việc xây dựng môi trường xanh để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất là trách nhiệm của mình. Đến năm 2030, Khu công nghiệp Đình Vũ đặt mục tiêu sẽ cung cấp đến 50% sản lượng điện trong khu công nghiệp từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, trở thành khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam tự sản xuất năng lượng tái tạo và cung cấp cho khách hàng; đặc biệt là tiên phong trong việc xây dựng đường từ rác thải nhựa, đóng góp vào việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường," ông Đỗ Quang Hưng nói.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam quan tâm đến nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương cho biết hầu hết các ý kiến của Trường đều nhất trí về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Một số ý kiến cho rằng cần cụ thể hóa hơn nữa chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, vì thực tế cơ chế, chính sách để thực hiện chủ trương còn nhiều bất cập, nhất là tỷ lệ GDP dành cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ còn chưa cân xứng, chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Xuân Dương, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo là hướng đi đột phá, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập sâu rộng nền kinh tế toàn cầu.

Hải Phòng tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư hợp lý để nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng nhanh tỷ lệ số trường đạt chuẩn Quốc gia, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định Hải Phòng là trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Duyên hải Bắc Bộ, là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục, đào tạo hàng đầu cả nước.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã và đang phát triển lớn mạnh cùng hệ thống các trường đại học trong cả nước và thành phố Hải Phòng - hướng đi phù hợp với nội dung đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị.

Hiện nay, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có gần 15.000 sinh viên, học viên các hệ; gần 1.000 cán bộ, giảng viên, trong đó có 53 giáo sư, phó Giáo sư, 172 tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, 588 thạc sỹ cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và sỹ quan hàng hải đạt trình độ quốc tế.

Các phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm đã được đầu tư bài bản, hiện đại; nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt, vừa qua Trường đã được Chính phủ Hàn Quốc trao tặng một tàu huấn luyện Hannara (hiện đã được đổi tên thành tàu huấn luyện VMU Việt-Hàn); được tích hợp các hệ thống mô phỏng toàn phần, có thể tiếp nhận huấn luyện được cùng lúc 152 sinh viên và khả năng hành hải quốc tế không hạn chế.

Tàu huấn luyện VMU Việt-Hàn cùng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, kiến thức của trường sẽ nâng được chuẩn đào tạo, huấn luyện hàng hải theo kịp các nước tiên tiến của châu lục.

Đây chính là cơ sở cho các giảng viên, các nhà khoa học của trường tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới, giúp sinh viên gắn với khoa học, công nghệ hiện đại và thực tiễn, với phương châm: "Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo và tự tạo ra công nghệ nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược biển quốc gia," đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 36/NQ-TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"./.

Tác giả: Đoàn Minh Huệ

Nguồn tin: vietnamplus.vn