Sẽ có quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu

Admin
Được biết, quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu được ban hành theo hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đối với mặt hàng nhập khẩu này.

Hiện nay, Bộ Tài chính- đơn vị chủ trì soạn thảo đã hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tiếp tục quản lý hiệu quả phế liệu nhập khẩu, bởi thực tế từ đầu năm 2019 thị trường buôn bán phế liệu thế giới tiếp tục có nhiều thay đổi lớn, nhất là ở những thị trường nhập khẩu lớn trước đây.

 Phế liệu nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Linh.

Tại điểm b, Mục 2, Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu triển khai xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu tại các cửa khẩu.
Trong khi thực tế tại Việt Nam vẫn có không ít doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, từ 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại từ).

Đồng thời, Malaysia đang là nước đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, bắt đầu từ năm 2019 cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này

Do chính sách cấm nhập khẩu của các nước xung quanh khu vực trước đây đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới có sự thay đổi lớn vào đầu năm 2019, cơ quan Hải quan dự đoán xu hướng trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu; đồng thời, xuất hiện các dấu hiệu, thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

Vì vậy, yêu cầu quan trọng đặt ra với các cơ quan chức năng là một mặt phải tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự trong nhập khẩu phế liệu đạt chuẩn làm nguyên liệu sản xuất, nhưng mặt khác phải tăng cường các biện pháp quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp nhập khẩu phế liệu không đạt chuẩn, không đáp ứng các tiêu chí theo quy định… không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Thực tế, năm 2018, cơ quan Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn liên quan đến nhập khẩu phế liệu, qua đó, cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm gia nhiều đối tượng liên quan.

Điển hình như, Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình; làm giả tất cả các thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của ngành Tài nguyên và Môi trường khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu.

Hay hành vi nhập khẩu phế liệu vượt quá hạn mức được cấp theo các thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và môi trường đã cấp như Công ty TNHH sản xuất xây dựng dịch vụ thương mại Hồng Việt nhập khẩu thép phế liệu vượt quá 984 tấn so với tổng số giấy phép và nhập khẩu nhựa phế liệu vượt quá 64.249 tấn so với tổng số giấy phép đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cấp…