Thanh niên đi xe máy tốc độ cao đâm thẳng vào CSGT ở Hải Phòng sẽ bị xử lý thế nào?

Admin
Theo luật sư, hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, chạy với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu dừng xe của đồng chí CSGT là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ... Hình phạt đối với thanh niên này sẽ căn cứ vào mức độ thương tích của nạn nhân.

Liên quan vụ Thượng úy CSGT Nguyễn Trọng Quý bị thanh nhiên đi xe máy tốc độ cao lao vào, hất văng lên không trung trên tỉnh lộ 354 (Hải Phòng), lãnh đạo Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp cho biết nạn nhân đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ xác định Thượng úy này bị chảy máu trong não, vỡ cột sống cổ, vỡ xương và trật khớp khuỷu tay. Do có máu tụ trong não nên việc phẫu thuật chưa thể thực hiện.

 Thượng úy Nguyễn Trọng Quý đang điều trị tại bệnh viện.

Theo điều tra ban đầu, sự việc xảy ra trưa 9/7, khi tổ công tác Đội CSGT Công an huyện An Lão dừng xe máy do Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú xã Thái Sơn) điều khiển với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm.

Nam thanh niên 16 tuổi không dừng xe lại mà tăng ga, đâm trúng Thượng úy Quý. Cú tông mạnh đã hất văng anh Quý ra đường.

Qua đoạn clip do camera hành trình ghi lại và diễn biến liên quan, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, chạy với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu dừng xe của đồng chí CSGT là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ.

Trong trường hợp này, hành vi của thanh niên được xác định tuy không mong muốn tước đoạt tính mạng người khác nhưng đã có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra khi điều khiển xe mô tô đâm xe mô tô vào đồng chí CSGT.

Lỗi của thanh niên điều khiển xe mô tô đâm vào đồng chí CSGT trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự (BLHS)”.

 Khu vực hiện trường xảy ra vụ tai nạn.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm viện dẫn các căn cứ pháp luật: Khoản 2 Điều 10 BLHS quy định: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra". Như vậy, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Nếu gây hậu quả chết người thì thanh niên này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 BLHS.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo thông báo từ bệnh viện, tính mạng đồng chí CSGT được đảm bảo. Như vậy có đủ căn cứ xác định hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS. Hình phạt áp dụng đối với nam thanh niên gây tai nạn phụ thuộc vào kết quả tỷ lệ thương tích của đồng chí CSGT".