Thành phố trăm cầu, mỗi phường một công viên

Admin
Hải Phòng đang được đánh giá là vùng phát triển về hạ tầng thuộc hàng nhanh nhất cả nước, tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp, đô thị hiện đại, văn minh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

 Giao thông được kết nối đã thu hút đầu tư mạnh mẽ, đưa kinh tế vùng đất cửa biển này tăng trưởng ngoạn mục.

Thành phố 100 cây cầu

Hải Phòng là thành phố cảng, cửa ngõ thông thương quan trọng của Việt Nam với thế giới. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị là cốt lõi để Hải Phòng “cất cánh”, hướng tới mục tiêu nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố này đã đề ra và theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là “đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 1; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030”.

Trước năm 2015, ngoài Quốc lộ 5 nối Hà Nội - Hải Phòng để đi ra cảng biển, thành phố Hải Phòng gần như nằm biệt lập với các vùng xung quanh bởi sự ngăn cách giữa các con sông. Ở phía Bắc, Hải Phòng ngăn cách với Quảng Ninh bởi sông Bạch Đằng. Phía Nam, Hải Phòng ngăn cách với Thái Bình bởi sông Thái Bình. Phía Tây, Hải Phòng ngăn sách với Hải Dương bởi sông Kinh Thầy, sông Văn Úc và một số nhánh của sông Thái Bình. Bản thân các quận huyện của Hải Phòng cũng bị chia cắt bởi các con sông, khiến sự phát triển kinh tế không đồng đều.

Xác định hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Hải Phòng tập trung mạnh mẽ đầu tư vào hạ tầng giao thông với số vốn huy động là 44.000 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương), gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015.

Giai đoạn này, nhiều công trình mang tính quốc gia như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long, mở rộng Quốc lộ 10, cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện… được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng, Hải Phòng đã xây mới được 55 cây cầu, hàng trăm km đường tỉnh lộ, huyện lộ và hàng nghìn km đường liên thôn, liên xã. Giao thông được kết nối đã thu hút đầu tư mạnh mẽ, đưa kinh tế vùng đất cửa biển này tăng trưởng ngoạn mục.

Trong nội đô, nhiều nút giao thông quan trọng được đầu tư cải tạo mở rộng hoặc xây cầu vượt như nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ, Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh - Võ Nguyên Giáp, Nam Cầu Bính…

Theo một vị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng thì tính đến năm 2019, Hải Phòng có 81 cây cầu đã và đang được triển khai là địa phương hàng đầu cả nước về thực hiện các dự án xây dựng cầu, đường. Đặc biệt, Cầu Hoàng Văn Thụ với kiến trúc “cánh chim biển” khánh thành vào tháng 10/2019 đã làm nức lòng người dân thành phố cảng, mở ra một không gian đô thị mới, kết nối giao thông Hải Phòng về phía Bắc; nối huyện Thủy Nguyên với nội thành, tổng với mức đầu tư của công trình cầu Hoàng Văn Thụ là gần 2.200 tỷ đồng.

Từ năm 2020, Hải phòng tiếp tục xây dựng thêm 14 cây cầu thay thế các phà vượt sông. Đó là dự án cầu Quang Thanh, cây cầu thứ 4 qua sông Văn Úc nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); dự án cầu Rừng vượt sông Bạch Đằng nối huyện Thủy Nguyên với huyện Quảng Yên (Quảng Ninh); cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên với huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy (sông Phi Liệt), Cầu Rào 1… Nhiều dự án cầu khác cũng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư như: Cầu Nguyễn Trãi, cầu Rào 2, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2 và một số cầu trên các tuyến sông nhỏ. Hải Phòng sẽ có 95 cây cầu sau năm 2020 và dự kiến có 100 cầu sau năm 2025…

Nét nổi bật trong xây dựng cầu trên địa bàn Hải Phòng là thi công nhanh chóng với chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật rất cao. Có những cây cầu chỉ hoàn thành sau 8 tháng như: Cầu Đăng, cầu Hàn, cầu sông Hóa, cầu vượt ngã ba Đình Vũ, cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu vượt Nguyễn Văn Linh. Riêng cầu vượt sông Tam Bạc hoàn thành sau 55 ngày. Cầu Hoàng Văn Thụ với công nghệ, kiến trúc phức tạp và mới, dự kiến phải thi công trong 36 tháng, nhưng hoàn thành chỉ trong 24 tháng.

Điều này thể hiện quyết tâm của những người làm cầu cùng với sự đổi mới về công nghệ xây dựng. Trong đó, có những công nghệ lần đầu được áp dụng tại như Việt Nam như làm cầu vòm nhịp dài 200m trong thi công cầu Hoàng Văn Thụ. Nhưng trước hết, đó là sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành từ thành phố đến các Sở, ngành, tập trung cao từng dự án, tháo gỡ nhanh chóng vướng mắc về vốn, về thiết kế, mặt bằng, hỗ trợ các nhà thầu thi công bảo đảm đúng và vượt kế hoạch tiến độ.

Dự kiến hạ tầng Hải Phòng còn thay đổi vượt bậc hơn nữa khi 5 năm tư 2021-2025, thành phố dự kiến xây 100 cây cầu với số tiền 38.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng sẽ trình lãnh đạo thành phố thông qua kế hoạch xây dựng 57 cầu, còn giai đoạn 2022-2025, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng các cầu tiếp theo.

Hiện thực hóa chủ trương mỗi phường một công viên

Hải Phòng có diện tích đất liền hơn 1.560km2, dân số 2,2 triệu, gồm 7 quận, 6 huyện ngoại thành, 2 huyện đảo với 67 phường, 10 thị trấn và 143 xã.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hải Phòng, hiện trên địa bàn 7 quận của thành phố mới chỉ có 1.204,5ha đất cây xanh công viên được thực hiện theo quy hoạch, đạt 5,5m2/người, tỷ lệ này thấp hơn nhiều chỉ tiêu đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt (10-15m2/người).

Trước thực trạng này, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Xây dựng, các quận lập đề án xây dựng mỗi phường một công viên cây xanh. Với tiêu chí xây dựng công viên phải phù hợp, không lấy đất chỗ trống để làm công viên mà phải tính đến hiệu quả thiết thực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, cần bảo vệ quỹ đất công viên, cây xanh, mặt nước hiện có, cần nghiêm cấm việc điều chỉnh, sử dụng quỹ đất quy hoạch cây xanh vào mục đích khác, đồng thời khuyến khích xây dựng nhà cao tầng ở các khu đô thị mới... để trước mắt, đến năm 2025, thành phố Hải Phòng bổ sung được khoảng 1.673ha đất công viên cây xanh.

 Mỗi phường một công viên, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: “Đề án xây dựng công viên trong khu dân cư tại các phường đã được thông qua. Với tiêu chí, mỗi phường xây dựng 1 công viên tại khu vực có đông dân cư phù hợp quy chuẩn, quy định, đảm bảo thuận tiện, phục vụ tối đa người dân được thụ hưởng với diện tích khoảng giao động từ 5.000m2 - 10.000m2 để phục vụ người dân.

Như vậy, giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng sẽ xây dựng 6 công viên cấp thành phố với tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.480 tỷ đồng; xây dựng 59 công viên tại 47 phường (bình quân 1-2 công viên/phường) do các quận làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng hơn 50ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, quận Hồng Bàng 8 công viên; quận Ngô Quyền 11 công viên; quận Lê Chân 9 công viên; quận Hải An 9 công viên; quận Dương Kinh 6 công viên; quận Kiến An 10 công viên; quận Đồ Sơn 6 công viên. Riêng năm 2021 sẽ xây dựng 21 công viên do các quận làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 13ha, tổng mức đầu tư khoảng gần 500 tỷ đồng, bình quân khoảng gần 23 tỷ đồng/công viên".

Được biết, khởi đầu cho chủ trương xây dựng mỗi phường một công viên, ngày 30/3, Quận ủy, UBND quận Hồng Bàng đã chính thức động thổ xây dựng công viên cây xanh tại hồ khu C, phường Trại Chuối. Công trình có quy mô 1,3ha, trong đó 845,1m2 đất cây xanh, 390,1m2 đất giao thông và 65,1m2 đất cộng đồng, tổng mức đầu tư là 9,97 tỷ đồng. Công viên được quy hoạch tạo thành không gian sinh hoạt cộng đồng với 4 khu chính. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường khu vực, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng, thiết thực với sự phát triển kinh tế, hiện đại hóa đô thị, thiết thực với đời sống nhân dân.

Một đô thị hiện đại, phải có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó, một trong các điểm hết sức quan trọng của chỉnh trang đô thị là các công trình phúc lợi, công viên cây xanh đáp ứng được yêu cầu phát triển. Với những gì Hải Phòng đang làm, tin rằng Hải Phòng sẽ sớm đạt được mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp hóa, đô thị hiện đại, văn minh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Tác giả: Mỹ Hạnh

Nguồn tin: Báo Xây dựng