Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Admin
Sáng 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đơn vị bầu cử số 1 đi tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình, Tây Hồ Hà Nội sau kỳ họp thứ 6.

Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Việt Khoa cho biết, sau 22,5 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ và không ngừng đổi mới, kỳ họp thứ 6 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Công tác nhân dự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đơn vị bầu cử số 1 đi tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình, Tây Hồ Hà Nội sau kỳ họp 6.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết 85.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh. Các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ.

“Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, đại biểu Khoa nhấn mạnh.

Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai cho biết, liên quan đến Luật Giáo dục, cử tri đề nghị bổ sung quy định khắc phục tình trạng thương mại hóa, không đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo tính ổn định tương đối của chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Nội dung giáo dục phải thiết thực, cụ thể:

Theo cử tri, tại điều 2 nên bổ sung nội dung nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục trên cả nước; điều 13 nên bổ sung nội dung liên quan đến chế độ với giáo viên vùng sâu, vùng xa, có chế độ đào tạo đối với học sinh giỏi, chế độ tiếp nhận sinh viên giỏi sau khi ra trường có việc làm phù hợp.

Điều 29 có nội dung sách giáo khoa có thể do nhiều tổ chức, đơn vị biên soạn. Vậy học sinh sẽ học theo hệ thống sách nào? Nếu người viết sách không phải là các chuyên gia về giáo dục thì có hợp lý không? Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cải cách chương trình giáo dục và sách giáo khoa phù hợp với tình hình chung của cả nước.

Về các nội dung này, Bộ GD&ĐT khẳng định chủ trương không thương mại hóa giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bộ khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục ở các cấp, trong đó đặc biệt là khuyến khích xã hội hóa trong giáo dục đại học.

Về tính ổn định của chương trình giáo dục và sách giáo khoa, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi và hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua.