Ý kiến trái chiều về nhiều bộ sách giáo khoa

Admin
Một bộ sách giáo khoa đã gây lãng phí cả ngàn tỉ đồng khi dùng một lần thành giấy vụn, vậy nhiều bộ sách giáo khoa thì sẽ tốn kém ra sao?

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vào ngày 4-4, vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến là dự thảo luật quy định một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK).

Cứ mãi loay hoay làm, chọn sách SGK

ĐB Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) băn khoăn nếu mỗi trường áp dụng dạy một bộ SGK sách riêng thì khi học sinh chuyển trường lại phải chuyển sách, rất khó khăn. "Liệu có hiện tượng xúc tiến thương mại SGK vào nhà trường hay không?" - ông Lâm đặt vấn đề. Ông Lâm cho biết nhiều cử tri thắc mắc: "Tại sao ngành giáo dục cứ loay hoay năm này sang năm khác việc biên soạn SGK, nhất là sách tự nhiên, trong khi thế giới có rất nhiều bộ SGK tiến bộ, đây là thành tựu chung của nhân loại, vì sao lại cứ phải biên soạn lại, vừa tốn kém vừa gây tranh cãi". Ông Lâm nêu lại thực tiễn Việt Nam hàng chục năm trước chỉ sử dụng sách giáo khoa của Pháp, Nga… đã đào tạo ra rất nhiều nhân sĩ, trí thức.

Tán đồng, ĐB Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) lo ngại việc cho phép mỗi cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK thì sẽ do ý chí chủ quan của người đứng đầu trường. "Việc lấy ý kiến phụ huynh liệu có khách quan, bảo đảm hay không? Lại còn không tạo ra sự ổn định. Vì thế nhà nước nên ban hành một bộ SGK phổ thông áp dụng chung, thống nhất trong cả nước" - bà Trang kiến nghị.

Quyết liệt hơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói thẳng: "Một chương trình mà nhiều SGK là bất hợp lý vì khi giao cho nhà trường lựa chọn dựa trên tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh và học sinh. Trong khi phụ huynh họ có biết đâu mà chọn? Học sinh cũng đã học đâu mà biết nên chọn sách gì? Nên quy định tham khảo ý kiến phụ huynh và học sinh chỉ là hình thức".

Ông Hòa dẫn ví dụ trong cùng một tỉnh, môn lịch sử hay địa lý, trường A dạy theo sách này, trường B dạy theo sách kia thì lúc thi như thế nào? "Tại sao không có một chương trình và một bộ sách dùng chung cả nước. Vì đã học thì phải thi, lúc thi thì một đề thi chung cả nước. Chưa kể mỗi năm SGK hay thay đổi, bổ sung. Vì vậy ban hành SGK làm sao để sử dụng cho hợp lý, tránh lãng phí" - ông Hòa kiến nghị.

Không hoàn toàn đồng tình với những ý kiến trên, ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng về SGK các môn khoa học tự nhiên thì có thể có một hoặc nhiều SGK, đối với môn khoa học xã hội chỉ nên thống nhất chung một bộ SGK. Còn ĐB Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) lại ủng hộ quy định như trong dự thảo luật, bởi theo ông, quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK là phù hợp. Ông Phương cho rằng SGK chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Mặt khác, các em cũng được lựa chọn, đồng thời cũng tận dụng được chất xám biên soạn SGK, tránh một người biên soạn sẽ không có sự cạnh tranh.

 Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) lo ngại nhiều bộ sách sẽ khiến cho việc lựa chọn sách học thiếu khách quan 

Không phải mỗi bộ sách viết một kiểu

Giải trình các ý kiến ĐBQH về vấn đề SGK, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết về chương trình, SGK là thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; sau đó là theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tinh thần của 2 nghị quyết là một chương trình có một số SGK. Quốc hội cũng thống nhất một chương trình có một số SGK cho những môn cơ sở.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết về SGK, tinh thần của Nghị quyết 88 là "SGK là tài liệu cơ bản, quan trọng, không phải là pháp lệnh nhưng người viết SGK phải bám sát vào khung chương trình". Do vậy, dù viết như thế nào thì cũng phải theo khung chương trình, tương đồng chương trình trong toàn quốc. Bộ GD-ĐT cũng có thông tư hướng dẫn những người được viết SGK chứ không phải ai muốn viết là viết. "Sau khi viết xong, có SGK đúng quy trình, quy định, bộ thành lập hội đồng thẩm định SGK quốc gia để xem xét được ban hành" - ông Nhạ giải thích.

Theo ông Nhạ, Nghị quyết 88 cũng giao cho Bộ GD-ĐT chủ động chỉ đạo biên soạn một bộ SGK. Bộ sách do bộ chỉ đạo biên soạn với các bộ do tổ chức cá nhân đều bình đẳng như nhau và được thẩm định dựa trên khung chương trình và Hội đồng thẩm định SGK quốc gia. "Không có chuyện mỗi sách một kiểu, mỗi địa phương một kiểu. Việc này có những cái tốt và cái hạn chế. Nhưng về xu hướng quốc tế là như thế, chúng ta cũng không thể chỉ có một bộ SGK" - Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh.

Một mặt tích cực khác theo người đứng đầu ngành GD-ĐT là chủ trương nhiều bộ SGK sẽ tạo "sân chơi" thu hút được nhiều người giỏi, nhiều người có điều kiện, đặc biệt quan trọng hơn nữa khuyến khích các giáo viên chủ động sáng tạo thiết kế bài giảng, chương trình giảng. "Tránh trường hợp thầy cô cứ dựa vào tài liệu SGK như một tài liệu đóng khung dẫn đến cứng nhắc, tái diễn cảnh thầy dạy - trò chép. Đây là một trong những việc thực hiện đúng Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88. Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đúng theo hướng đó" - ông Nhạ quả quyết.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, SGK cũng sẽ bảo đảm tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản với kiến thức phân hóa của địa phương. Trong chương trình thiết kế là 80% nội dung khung là thống nhất toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Việc viết SGK phải theo hướng dẫn của bộ và được bộ thẩm định thống nhất với chương trình tổng thể sau đó mới ban hành.

"Nóng" vấn đề bạo lực học đường

Nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo lắng về vấn đề bạo lực học đường ngày một gia tăng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay pháp luật hiện hành quy định rõ đối với người dạy, đối với nhà trường, người học nhưng vấn đề là nhận thức và tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GD-ĐT đã rà soát những vấn đề rõ ràng để pháp định ngay trong luật.

Một giải pháp khác theo ông Nhạ là chuẩn hóa giáo viên đã nâng từ 4 lên 15 tiêu chí, trong đó chuẩn đào tạo chỉ là một. Theo đó, phẩm chất đào tạo, phẩm chất nghề nghiệp được đánh giá rất cao, như xây dựng môi trường giáo dục, xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng. "Muốn giải quyết thật tốt vấn đề này cần phải lấy người học làm trung tâm, không coi chỉ đến lớp để truyền thụ văn hóa mà phải đánh giá, quan tâm đến người học ở góc độ quyền con người, kể cả tâm - sinh lý" - ông Nhạ giải thích.

Cũng vấn đề bạo lực học đường, bên lề hội nghị, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra một số vụ việc. Ông Nhạ cho hay để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì tới đây sẽ chỉ đạo các sở, các trường đẩy mạnh, tăng cường giáo dục, tuyên truyền đối với học sinh về vấn nạn bạo lực học đường. Theo đó, trong các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong các tiết học giáo dục công dân... sẽ kết hợp giáo dục, tuyên truyền để học sinh "nói không" với bạo lực học đường, cũng như các biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, các trường cũng cần tạo điều kiện để những bạn tốt trong lớp, những tấm gương tốt cảm hóa các cháu hơn là dùng hành chính đe dọa. Các cháu bé thì chủ yếu dùng các biện pháp giáo dưỡng nhẹ nhàng động viên là chính. "Giáo dục phải làm gốc, đặc biệt với đối tượng yếu thế là phải rất quan tâm. Còn đối với các cháu tạm gọi là cá biệt cũng phải quan tâm để giáo dưỡng để các cháu biết được bạo lực học đường là không tốt, thậm chí gây như thế là phạm pháp, để làm sao nhắc nhở các cháu" - ông Nhạ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đối với các cháu yếu thế thì phải dựa vào các thầy, các cô. Đây là sự đồng hành chung của cả thầy và trò. Việc giáo dục cũng cần rất nhẹ nhàng, không rầm rộ vì giáo dục đạo đức lối sống, ứng xử tốt thì phải dần dần từng bước.

Về việc cháu bé bị sàm sỡ trong thang máy tại TP HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết ông đã ban hành thông tư hướng dẫn tâm lý học đường nhưng nay phải tăng cường hướng dẫn thêm các kỹ năng để học sinh biết phòng tránh. Tới đây, sẽ chỉ đạo các sở, các trường đẩy mạnh, tăng cường việc giáo dục, phổ biến kỹ năng phòng tránh cho học sinh.