Xã hội

Bà bán tăm bị đánh: Tôi tưởng không về với con được nữa

Admin

Khi có công an đến, tôi cầu cứu bám vào công an, họ vẫn sà vào đánh. Tôi tưởng mình chắc không về gặp lại 3 đứa con nữa rồi, chị Bảy sợ hãi kể.

Nằm điều trị ở BV Đa khoa huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị Lê Thị Bảy vẫn không thể tin những người đàn ông to cao lại đánh chị, trong khi chị đã thanh minh mình chỉ đi bán tăm từ thiện.

 Chị Bảy tại BV Đa khoa Sóc Sơn

Nước mắt chị không ngừng rơi khi nhớ lại buổi trưa 22/7. Chưa bao giờ chị cảm thấy bất lực đến thế, bị bao nhiêu người đánh nhưng chị không biết làm cách nào để bảo vệ bản thân. Mặc những lời giải thích mình chỉ là những người bán tăm lương thiện, hàng trăm con mắt soi xét, đổ dồn về chị và bà Nguyễn Thị Phúc.

“Họ nghi chúng tôi định bắt cóc trẻ em khi tôi đứng ngoài cổng hỏi 1 cháu bé có người lớn ở nhà không, cho bác gặp để mời mua tăm. Một người phụ nữ đi xe máy tới và nói: Định dụ dỗ, bắt cóc trẻ con à? Tôi trả lời là không, em đi bán tăm. Sau đó người phụ nữ này đi.

Ở trong nhà có một người phụ nữ đi ra nhưng không nói gì. Thấy vậy, tôi tiếp tục đi bán tăm ở mấy ngõ bên cạnh. Nhưng sau đó nhiều người kéo đến giữ tôi và chị Phúc lại. Dù tôi van xin hết mức nhưng họ không buông tha, họ đấm đá vào mặt tôi, rồi lấy cả ghế ở quán nước đập vào đầu.

Khi có công an đến, tôi cầu cứu bám vào công an, họ vẫn sà vào đánh. Lúc đó tôi tưởng mình không về gặp lại 3 đứa con được nữa”, chị Bảy sợ hãi kể lại.

 Chị Bảy đau đớn kể lại sự việc bị người dân đánh 

Giờ đây, chị Bảy chẳng có mong muốn gì hơn việc cơ quan công an minh oan cho chị và bà Phúc. Bởi thông tin chia sẻ lên mạng đã khiến chị bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, bị mang tiếng ác bắt cóc trẻ em trong khi chỉ là người lương thiện. Chị Bảy cũng mong muốn sớm lành bệnh để đi làm lo cho các con ăn học, lo cho mẹ già và chồng nay ốm mai đau.

Cảnh đời nghèo khó

Căn nhà của chị Bảy ở thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội xây đã lâu, lụp xụp, diện tích chỉ chừng 15m2, trên tường có nhiều vết nứt.

 Ngôi nhà rộng khoảng 15m2 nhưng có 6 người ở trong

Bà Nguyễn Thị Oanh (77 tuổi, mẹ chồng chị) buồn bã: “Hôm qua dân làng chạy đến báo tin con dâu tôi bị người ta đánh, tôi lo quá, nghĩ thương con đi bán tăm lại bị đổ tiếng oan, đánh đến nỗi phải nhập viện. Con dâu tôi là người thật thà, hiền lành mà sao ai nỡ đánh nó như vậy”.

Theo bà Oanh, nhà bà làm nông nghiệp từ xa xưa, những khi rảnh rỗi chị Bảy lại tranh thủ đi bán tăm cho hội người mù để lấy tiền mua cái ăn cái uống cho con cái.

 Bà Oanh bất ngờ về việc con dâu mình bị người ta đánh

“Hôm qua nghe tin con dâu nằm viện, hàng xóm thương tình sang góp mỗi người cho 1-2 trăm để chồng nó lấy tiền lên đó chứ nhà có tiền đâu. Một mình con dâu tôi phải chèo lái nuôi 3 đứa con, tôi thì ốm đau, chồng nó bị tai nạn ngã gãy xương cũng không giúp được gì nhiều”, bà Oanh kể.

 Bên trong ngôi nhà không có gi đáng giá

“Cô chú nhìn đấy, nhà cửa hôm nọ mưa gió dột ướt hết nhưng không có tiền chữa đành chịu chứ biết làm sao. Giờ tôi chỉ mong chính quyền tìm và xử lý những ai đã hành hạ, đánh đập con tôi, lấy lại được danh dự, chữa chạy vết thương cho lành”, bà Oanh bày tỏ.

Vợ chồng chị Bảy sinh được 3 con, 2 trai 1 gái, con trai cả 12 tuổi tranh thủ nghỉ hè đi làm phụ hồ lấy tiền để đóng học phí đỡ đần mẹ.

Ông Nguyễn Văn Thiện (Trưởng thôn Áng Thượng) cho biết: Gia đình chị Bảy có 6 khẩu, mẹ già ốm yếu, chồng cũng bệnh tật không lao động được, bản thân chị Bảy cũng bệnh tật nên kinh tế eo hẹp.

 Tài sản có giá trị nhất của gia đình chị Bảy là con bò

“Gia đình chị ấy chất phác. Gia đình thuộc diện hộ nghèo mấy chục năm, không thoát được nghèo. Ngoài làm nông, chị ấy tham gia vào hội tình thương của HTX để tiêu thụ sản phẩm, kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi chị ấy”, ông Thiện thông tin.

"Vì cuộc sống mưu sinh nên chị ấy phải lang bạt khắp nơi, kiếm tiền nuôi gia đình nên khi nghe hung tin, ai trong xóm cũng thương xót”, ông Thiện chia sẻ.