Trong nước

Cần 'vắc xin' cho cư dân mạng

Admin

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có “vắc-xin” nâng cao sức đề kháng cho cư dân mạng, để họ không tin, không nghe thông tin xấu độc.

Tăng đề kháng trước thông tin xấu độc

Ngày 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cùng nhiều đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng. Ông Hùng nói, đây là việc khó khăn, lực lượng mỏng, trong khi một người Việt Nam thường có tới 4 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. “Nếu không ngăn chặn, sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác suất lừa đảo là rất lớn”, ông nói. Nghị định vừa ban hành mới đây quy định rõ, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ. Nhấn mạnh đời thực quản lý thế nào thì không gian mạng cũng thế, ông Hùng nói rằng, việc này cần sự vào cuộc cả xã hội, các bộ, ngành, địa phương. “Không khí ô nhiễm thì đầu độc phổi, thông tin xấu độc thì đầu độc não”, ông nói.

“Không gian mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng đang âm thầm len lỏi vào trong nhà trường, tạo nên những hành vi tiêu cực, như là sự tục tĩu, vô trách nhiệm, gian dối, ngông cuồng, hoang tưởng…”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đã đề xuất Bộ GD&ĐT đưa thêm nội dung kỹ năng số vào đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3, để “tăng đề kháng”. Bộ đã chính thức chạy một nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân, đào tạo online để người dân vào xem, tìm kiếm, hỏi đáp để sống khỏe trong môi trường số.

Thanh tra toàn diện các nhà mạng

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp xử lý tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực trạng “khủng bố” qua điện thoại, tin nhắn liên quan đòi nợ thuê, quảng cáo. Ông cũng chất vấn, đề nghị làm rõ tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu khi xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, “khủng bố”. Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh cuộc gọi rác, còn lâu dài, phải dùng công nghệ. “Mỗi tháng chúng tôi chặn 30.000 - 40.000 cuộc gọi rác. Những tháng gần đây, cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn”, Bộ trưởng nói. Ông cho biết, năm nay sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về thu thập dữ liệu người dân, sau đó tới hệ thống bưu chính, mạng xã hội.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng Ảnh: Như Ý

“Các chủ mạng xã hội khi người dân đăng ký, phải xác thực để khi cơ quan điều tra yêu cầu là phải cung cấp được danh tính của người đó”

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Báo cáo thêm về nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng, còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ tiền ảo, quản lý sử dụng sim, đặc biệt là sim rác, cần mạnh tay xử lý để làm lành mạnh thông tin, giao dịch. Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là thực trạng nhức nhối.

Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo ông, không chỉ riêng Bộ Công an mà các cơ quan liên quan đến bảo vệ dữ liệu cần tích cực phối hợp quốc tế trong lĩnh vực này.

Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong