Tin địa phương

Chính thức thí điểm xe du lịch 2 tầng tại Hải Dương và Hải Phòng, kết nối hai sân bay quốc tế

Admin

Bộ Giao thông vận tải vừa bổ sung Hải Dương và Hải Phòng được phép thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đến hai sân bay tại các địa phương này. Đồng thời, kéo dài thời gian thí điểm đến khi Luật Đường bộ được thông qua và có hiệu lực thi hành...

 Mô hình xe du lịch 2 tầng trong nội đô đã được nhiều nước áp dụng.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 1585/QĐ-BGTVT điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2056/QĐ-BGTVT ngày 21/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và được điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bởi Quyết định số 1793/QĐBGTVT ngày 14/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Tại Quyết định số 1585/QĐ-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải bổ sung hai địa phương là Hải Dương, Hải Phòng được phép thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch tỉnh Hải Dương đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải bổ sung các tuyến vào điểm a khoản 2 mục III của kế hoạch: (3) tuyến kết nối từ Cảng hàng không Nội Bài đi trung tâm du lịch, đô thị của tỉnh Hải Dương; (4) tuyến kết nối từ Cảng hàng không Cát Bi đi trung tâm du lịch, đô thị của tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, điều chỉnh thời gian thí điểm quy định tại điểm a khoản 3 mục III của kế hoạch, đã được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1793/QĐ-BGTVT ngày 14/10/2021 thực hiện cho đến khi Luật Đường bộ được thông qua và có hiệu lực thi hành.

Cũng tại quyết định này, Bộ Giao thông vận tải sửa đổi điểm n khoản 1 mục II của kế hoạch như sau: “n) Định kỳ ngày 25/12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện việc thí điểm về Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam) hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc và dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị đến các cảng hàng không bằng xe ô tô khách 16 - 45 chỗ ngồi chất lượng cao tại các tỉnh, thành phố với thời gian thí điểm 5 năm, nghĩa là đến cuối năm 2021 là hết giai đoạn thí điểm.

10 tỉnh, thành phố được phép thí điểm là Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lào Cai và TP Hồ Chí Minh.

Các cảng hàng không được thí điểm gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Liên Khương, Vân Đồn, Phú Quốc và Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, theo Bộ Giao thông vận tải, chỉ có 2/10 tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm kết nối vận chuyển khách đến các sân bay, là TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã thực hiện kết nối. Đồng thời chỉ có 1 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Mục tiêu của việc thí điểm là tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thông qua cung cấp dịch vụ vận tải kết nối hài hòa giữa các cảng hàng không sân bay với trung tâm tỉnh, thành phố, tăng cường an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng nền văn minh đô thị, tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo sự hài lòng cho khách du lịch.

Khi đó, hành khách có thêm sự lựa chọn dịch vụ vận tải trong việc lựa chọn chuyến đi, đặt xe, đặt dịch vụ vận chuyển và thanh toán online, giảm tối đa việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch.

Ứng dụng phần mềm công nghệ trong tổ chức quản lý vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước ngành giao thông, cơ quan quản lý thuế được thuận lợi và minh bạch.

Từ đó, góp phần nâng cao hình ảnh của các địa phương triển khai dự án, tạo được sản phẩm mới, góp phần xây dựng hình ảnh cho ngành du lịch, ngành giao thông, có khả năng thu hút thêm khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của ngành du lịch trên thị trường hội nhập quốc tế.

Đây cũng là tiền đề cho việc phát triển cung cấp dịch vụ vận chuyển mới trên cả nước nhằm góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và cung cấp thêm hình thức vận chuyển để người dân và khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: vneconomy.vn