Giáo dục

“Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời”

Lợi Trần

Khát vọng của tuổi trẻ là theo đuổi những gì mình thích và đam mê, nên vào đại học là ước mơ chính đáng, cao đẹp của nhiều bạn trẻ. Nhưng thực tế trong những năm gần đây thì liệu vào đại học có phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp và thành công trong cuộc sống?

Vào những ngày này, đối với học sinh lớp 12 thì đây chính là thời gian “nước rút” để các em dốc toàn sức cho việc tập trung ôn thi THPT quốc gia sắp tới và đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như mình mong muốn và theo đuổi những ngành nghề mà mình đam mê trong cuộc đời. Dù đã lớn tuổi, qua thời học sinh đã lâu nhưng mỗi lần mùa thi đến, nhìn học sinh tấp nập bài vở lo ôn thi, quyết tâm vào bằng được đại học mà tôi lại thấy lòng nôn nao, day dứt và đầy trăn trở.

Chuẩn bị đăng kí tổ hợp các môn xét tốt nghiệp THPT và đăng kí xét tuyển đại học cao đẳng, nhiều em lại lo lắng, băn khoăn về việc không chỉ sợ không đỗ vào trường đại học mình yêu thích mà còn lo vì sợ học xong rồi sợ lo thất nghiệp, lương thấp, làm trái nghề…. Những nỗi lo này đã trở thành một thứ áp lực rất lớn cho những ai đang ngồi trên ghế nhà trường vào năm cuối cấp này.

Thực tế, khi mà ồ ạt các trường đại học, cao đẳng thành lập và được tuyển sinh theo “cơ chế” trong một thời gian dài nên mọi ngành nghề, giữa cung - cầu về việc làm trong xã hội gần như đã bão hòa. Tháng 12 năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố cả nước có 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Con số này nói lên mức độ dư thừa về nguồn lao động có “chất xám” của sinh viên sau khi ra trường.

Bây giờ khi mà kì thi THPT quốc gia đang cận kề, chỉ còn hơn một tháng nữa là thi, khi có kết quả rồi các em sẽ cầm bút để chọn cho mình trường, ngành, nghề mình yêu thích và đằng sau đó trong suốt 4, 5 năm đại học là ngổn ngang những nỗi lo về tương lai, công việc và thu nhập sau này. Chắc hẳn, đó là nỗi lo mà ai cũng đã từng và thấu hiểu, nhưng ngay từ bây giờ, các em cũng cần cân nhắc suy nghĩ về quan niệm “Vào đại học là con đường duy nhất”.

Trên thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng đại học nào cả. Các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi theo những con đường khác nhau, miễn là các em có đam mê, có sự cố gắng và nỗ lực hết mình.

Theo thống kê về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, các địa phương trong cả nước ở có tỉ lệ thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng tăng khá cao so với năm ngoái. Ở Nghệ An có 31.698 thí sinh dự thi thì chỉ có 19.585 thí sinh dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, chiếm 61,79% số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Còn ở Lào Cai có 6.038 học sinh đăng ký dự thi thì có 2.839 học sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ mà thôi.

Đây là một tín hiệu cho thấy rằng quan điểm của các em học sinh đã thay đổi khi đang chuyển dần qua học trung cấp, học nghề, để đỡ tốn kém cũng như khỏi áp lực xin việc sau khi học đại học ra trường. Điều này xét ra cũng hợp lí vì nước ta đang trong tình trạng “khủng hoảng thừa”, nghĩa là “thừa thầy mà thiếu thợ” nên số lượng học sinh đăng kí xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay giảm đáng kể so với năm trước phần nào cũng nói lên suy nghĩ, nhận thức của chúng ta bây giờ là không phải cố vào cho được đại học thì mới thành đạt.

Một mùa thi nữa đang đến thật gần, tôi muốn nhắn nhủ đến các em học sinh rằng: Hãy cố gắng hết sức, bằng cấp có thể là điểm tựa để các em vào đời và phát triển sau này nhưng đừng quá ảo tưởng vào giá trị của nó, đừng đặt nhiều kỳ vọng vào nó quá mức. Tất cả đang đón đợi chúng ta ở phía trước, những khó khăn, thất bại, kinh nghiệm trong cuộc sống sẽ là tấm bằng quý giá nhất.

Tác giả bài viết: Lê Thạch Thi