Số hóa

Điện thoại cao cấp sẽ chạy đua về hiệu năng

Admin

Pin, bộ nhớ, camera, tiện ích... sẽ trở thành điểm nhấn trong cuộc cạnh tranh của smartphone cao cấp nửa cuối năm nay.

Theo báo cáo của IDC, khoảng 1.462 tỷ điện thoại thông minh sẽ được xuất xưởng vào năm 2018. Mặc dù sản lượng giảm 3 tỷ máy so với năm ngoái, các hãng công nghệ lại tung ra hàng loạt smartphone “chất” hơn với màn hình lớn, camera tân tiến, tốc độ nhạy cũng như hiệu suất mượt mà.

Ryan Reith, một trong ba chuyên gia phân tích của IDC cho biết, thị trường smartphone đã dịch chuyển đáng kể suốt thập kỷ qua. Tăng tốc hiệu suất thay vì chạy đua ra mắt tính năng mới, đang trở thành xu hướng cạnh tranh của các dòng flagship thời nay.

Các chuyên gia công nghệ đài CNBC cũng chung nhận định khi quan sát 10 năm chuyển dịch thị trường. Nếu smartphone dày cộm có thể lướt web, check mail kiểu “rùa bò”... từng là niềm mơ ước của người dùng năm 2006, thì 2007 - 2012 là giai đoạn bùng nổ tăng trưởng và cải tiến. Khoảng thời gian này, các "ông lớn" cứ 3 đến 6 tháng lại cho ra đời thiết bị mới sở hữu màn hình lớn hơn, camera tiên tiến hơn hay tích hợp tính năng độc đáo gì đó.

Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, khi sức cạnh tranh ngày càng lớn, các hãng di động cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm ra khác biệt cho sản phẩm. Đột phá về công nghệ không còn phát triển nhanh như trước, mà mất đến 1-2 năm để trình làng tính năng mới. Cuộc chạy đua công nghệ cũng thay đổi từ số lượng các phát minh, sang hướng tập trung vào trải nghiệm người dùng dựa trên nhu cầu của số đông.

Nhu cầu pin lớn

 Pin luôn là vấn đề băn khoăn của người dùng khi thời gian sử dụng chưa tương xứng với ứng dụng và tính năng mà điện thoại được trang bị. Ảnh: Androidcentral.

Nếu trước đây, smartphone là món đồ chơi công nghệ, bây giờ nó đã trở thành thứ bắt buộc phải mua. Giới công nghệ biến chúng thành những thiết bị “10 trong 1”, thay thế cho máy ảnh DSLR, máy phát nhạc, laptop, TV, đồng hồ, bộ điều khiển game, máy đo nhịp tim... Điện thoại cũng đa dụng hơn khi trở thành thiết bị kết nối người dùng với thế giới thông qua mạng xã hội hàng tỷ thành viên như Facebook, Twitter, Instagram...

Chính vì vậy, người dùng sở hữu chiếc điện thoại càng nhiều tính năng, thì càng mong muốn pin đầy máy như “xăng đầy bình”. Nắm bắt nhu cầu này, những chiếc điện thoại cao cấp mà pin “trâu” 3.500 mAh đã xuất hiện, như thế hệ Note của Samsung, thậm chí theo thông tin rò rỉ, dòng máy này sẽ tăng lên 4.000mAh cho mẫu Note9 sắp ra mắt tuần này.

Bộ nhớ lưu trữ khủng

RAM càng lớn thì khả năng xử lý các tác vụ đa nhiệm càng mượt mà, kết quả là ngày nay, nhiều chiếc smartphone còn có RAM khủng hơn laptop hay PC. Thời của những chiếc điện thoại cao cấp RAM 2GB không còn nữa, model thấp nhất cũng phải 4GB, trong khi người dùng tham vọng bộ nhớ trong có thể nhân lên gấp đôi.

Khi ranh giới giữa máy ảnh smartphone và máy ảnh DSLR xích lại gần nhau, người dùng có xu hướng chụp ảnh và quay video bằng điện thoại nhiều hơn, nhu cầu lưu trữ từ đó cũng tăng cao. Họ có xu hướng lướt qua nhanh những model ROM chỉ 16-32GB, tần ngần đứng trước model 64-128GB và ao ước sở hữu dung lượng 256GB.

Apple mấy năm trước đã bỏ iPhone dung lượng 32GB mà phát triển từ 64GB trở lên. Thông tin gần đây còn cho thấy Samsung có thể bỏ qua cả bộ nhớ trong 64GB để lên mức 128GB và 256GB cho mẫu Note 9. Thậm chí, có thể có bản siêu lớn 512GB - gấp 9 lần bản Note8 cũ.

Camera ngày càng thông minh

 Camera điện thoại chưa bao giờ được tích hợp nhiều tiện ích thông minh đến thế.

Nếu thập kỷ trước, các hãng chạy đua camera về độ phân giải, nay họ chú trọng nhiều vào trải nghiệm hình ảnh. Trong vòng 2 năm qua, camera được trang bị hàng loạt vũ khí mạnh nhất như zoom quang 2X, thay đổi khẩu độ, lấy nét tự động, xóa phông bokeh...

Các dòng flagship thời nay sở hữu camera thông minh đến không tưởng, không chỉ có AI nhận diện khuôn mặt, khung cảnh xung quanh như các sản phẩm của Oppo, Huawei, mà còn được trang bị các thuật toán xử lý ảnh sắc nét, chụp đẹp trong mọi điều kiện từ thiếu sáng đến chuyển động nhanh, bất chấp hậu cảnh xấu.

Tiện ích khác biệt

Tiện ích khác biệt là vũ khí sống còn trong cuộc chiến hiệu năng. Xét trên quy mô hệ điều hành, Android và iOS đã chiến thắng oanh liệt trước 7 đối thủ kỳ cựu Windows Phone, BlackBerry OS, Symbian, MeeGo, Firefox OS, Bada và Tizen chính là nhờ kho tiện ích và ứng dụng vô cùng phong phú, chất lượng.

Còn xét trên góc độ model riêng lẻ, sản phẩm nào có nhiều tiện ích sẽ chiến thắng trong cuộc đua smartphone cao cấp khắc nghiệt. Trên thị trường, dòng Note của Samsung có vẻ khác biệt khi được trang bị bút cảm ứng S Pen với khả năng viết, vẽ, gửi tin nhắn GIF, chỉnh sửa video, soạn thảo văn bản, dịch thuật, giải trí, ghi chú trên màn hình unlock... Mỗi năm, sản phẩm này lại được nâng cấp hơn. Nếu S Pen của Note8 có khả năng nhận biết 4.096 cấp độ cảm ứng lực khác nhau, tạo tin nhắn động Live Message trong kỷ nguyên giao tiếp bằng hình ảnh, thì theo Phonearena, S Pen của Note9 lại tích hợp thêm tính năng Bluetooth trên bo mạch, thậm chí nó còn có thể trở thành thiết bị IoT đầu tiên có thể chụp ảnh từ xa hoặc phát lại nhạc mà không cần chạm vào màn hình.