Ông Đỗ Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội phân tích: Hiện nay xã hội, phụ huynh còn nặng nề về bằng cấp, việc suy nghĩ chỉ có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mới lập nghiệp được là sai lầm. Trong khi đó, thực tế thị trường lao động hiện nay đòi hỏi người lao động đáp ứng ở các vị trí công việc chứ không chỉ nhìn vào việc ứng viên có bằng cấp nào. Có bằng đại học chưa chắc đã xin được việc, nhưng có tay nghề tốt thì lại “đắt giá” nếu cá nhân có kỹ năng thực hành, đáp ứng được công việc.
Hiện tại, cơ hội xin việc mở rộng hơn với các thí sinh học trường nghề, khi các trường này đào tạo 70% là thực hành.“Thực hành nghề không phải trình độ cao hay thấp mà là kỹ năng, kỹ xảo, làm nhanh hay chậm, làm tốt hay xấu. Một người chỉ cần một kỹ năng giỏi như vẽ tranh đẹp, viết chữ đẹp đều có thể trở nên nổi tiếng” - ông Giang chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Dạy nghề khuyên thí sinh, phụ huynh nên cân nhắc việc học và chọn nghề sao cho hợp lý. Hiện nay ở nhiều trường đào tạo nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao. Nhiều trường nghề cũng đổi mới chương trình để gắn với yêu cầu về nhân lực, cả về số và chất lượng, đặc biệt chú trọng đào tạo người học để có kỹ năng hành nghề tốt.
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp |
Ngoài ra, quy định tuyển dụng của Bộ Nội vụ do Nhà nước quy định không kể trình độ, từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, quan niệm “học nghề không vào được cơ quan Nhà nước” như nhiều người suy nghĩ là sai lầm. Thậm chí, sinh viên cũng đừng nghĩ vào Nhà nước mới có thể lập nghiệp, năng lực của mỗi người thể hiện ở chuyên môn, kỹ năng mềm để đáp ứng được cơ quan đã tuyển dụng. Nói cách khác, chỉ có sự tự tin, can đảm, thể hiện đam mê của mỗi cá nhân mới có thể thành công trong bất cứ hoàn cảnh nào”- ông Giang cho biết.
TS. Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niênViệt Nam, người nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh-sinh viên cũng cho rằng: Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay không nên lựa chọn vào đại học bằng mọi giá. Các em cần chú ý đến sở thích, năng lực cá nhân để chọn ngành, chọn trường. Thí sinh nên chọn các ngành tương đồng nhau ở nhiều trường khác nhau thay vì chọn các ngành trái ngược nhau hoàn toàn trong cùng một trường. Cũng theo TS Phạm Mạnh Hà, chưa bao giờ cơ hội vào ĐH rộng mở như năm nay. Miễn thí sinh đỗ tốt nghiệp từ điểm sàn trở lên là có cơ hội đỗ ĐH.
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc học ngành Sư phạm ra trường liệu có kiếm được việc làm hay không khi mà số lượng cử nhân sư phạm thất nghiệp những năm gần đây ngày càng đông, TS Phạm Mạnh Hà cho biết: Đối với bất cứ quốc gia nào, ngành Sư phạm luôn là ngành được đầu tư quan tâm.
Tất nhiên, chúng ta nhận thấy rằng trong một vài năm gần đây có dư thừa nhân lực trong ngành Sư phạm nhưng chỉ dư thừa nhiều trong bậc THPT, THCS. Riêng ngành mầm non, tiểu học thì vẫn rất thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng ở một số địa phương. Vì thế, học sinh nào vẫn yêu thích ngành Sư phạm và đam mê với việc chăm sóc và giáo dục trẻ em thì chúng ta vẫn có thể lựa chọn.
Tuy nhiên, TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý: Với xu thế hiện tại, ngành Sư phạm đòi hỏi rất cao về năng lực và trình độ vì vậy nếu các em chỉ căn cứ vào mức điểm thấp hay các chế độ chính sách ưu tiên để chọn học thì nguy cơ thất nghiệp rất cao. Ngược lại, nếu các em có năng lực và tâm huyết thì cơ hội việc làm lại rất lớn tại các trường dân lập, trường chất lượng cao, trường quốc tế. Hiện nay, thu nhập giáo viên dạy được bằng tiếng Anh trung bình 10 - 15 triệu đồng/tháng và nhu cầu các trường tuyển dụng liên tục. Vì vậy, kết quả học tập tốt và đam mê thì không có lí do gì không xin được việc với mức thu nhập cao.