Giáo dục

Hơn 260 giáo viên hợp đồng ở Cà Mau sắp mất việc

Admin

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương chấm dứt hợp đồng hơn 260 giáo viên hợp đồng.

 Hơn 260 giáo viên hợp đồng ở Cà Mau sắp mất việc - Ảnh minh họa

Ngày 26/5, theo nguồn tin của Báo Giao thông, UBND tỉnh Cà Mau vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này về vấn đề biên chế và kinh phí mua sắm, sửa chữa của ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương, đơn vị chấm dứt hợp đồng đối với 264 giáo viên hợp đồng (trong đó, có 116 giáo viên hợp đồng năm học 2016-2017 và 148 giáo viên hợp đồng năm học 2017-2018) kể từ ngày 1/7/2018.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương cấp và thanh quyết toán kinh phí trả lương đối với 264 giáo viên hợp đồng này theo đề xuất của Sở GD&ĐT.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên dôi dư so với biên chế được giao do từng trường, từng địa phương tự ý hợp đồng mà chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh.

"Về biên chế giáo dục các cấp học, ở khối Mầm non, thực hiện ngay việc rà soát nhu cầu biên chế giáo viên và sẽ bổ sung biên chế sau khi sắp xếp các cấp học phổ thông", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, sau khi xác định cụ thể số biên chế của từng trường, tiến hành điều chuyển, sắp xếp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để chuyển giáo viên cấp Tiểu học và THCS thừa xuống cấp học Mầm non; giải quyết chính sách đối với những người lớn tuổi, dôi dư hoặc không đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các địa phương tạm thời ngưng tuyển dụng biên chế giáo dục, chờ sắp xếp trường, lớp, giáo viên.

Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau có báo cáo UBND tỉnh về việc ngành luôn trong tình trạng thiếu biên chế và kinh phí mua sắm sửa chữa nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các trường học có xu hướng chia nhỏ số học sinh để tăng số lớp. Từ đó, dẫn đến thiếu giáo viên, nên phải tổ chức dạy tăng giờ và hợp đồng thêm giáo viên. Trong khi đó, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục không đầu tư cho mua sắm, sửa chữa mà chỉ tập trung để trả lương hợp đồng và tăng giờ.