Cuộc sống

Thợ trang điểm tức nghẹn lời trước tuyên bố của 'tay chơi' đất Cảng

Admin

Hải Phong kể, bố cô dâu là một “tay chơi”. Trên tay ông xăm rất nhiều hình thù kỳ quái. Ông cho rằng, con gái ông không nhất thiết phải “cưa sừng làm nghé”. Cô dâu phải được trang điểm tự nhiên, đúng tuổi.

Sau 8 năm làm nghề trang điểm, nhiều khách hàng khó tính đã phải công nhận tài năng của chàng trai sinh năm 1991 (quê Vĩnh Phúc, hiện sống và làm việc tại Hà Nội). Khi tìm đến anh, họ tin tưởng để anh thoải mái sáng tạo. Tuy nhiên, trong nghề “làm dâu trăm họ” này, đã có lần anh bị chê và bị phản ứng khiến anh ức muốn khóc…

 8 năm trong nghề, Hải Phong đã gặp phải rất nhiều tình huống trớ trêu


Hải Phong kể, năm 2016, anh nhận lời trang điểm cho một cô dâu ở Hải Phòng. Cô dâu gần 40 tuổi và cưới chồng lần thứ 2. Cả gia đình cô dâu đều kinh doanh nên kinh tế khá giả.

Khi chụp ảnh cưới, cô dâu chú rể đã đặt trọn gói chụp ảnh trang điểm ở một tiệm ảnh khác trên Hà Nội. Tuy nhiên, không ưng ý với lối trang điểm của cửa hiệu này, cô dâu đặt lịch Hải Phong.

Ngày cưới của cô dâu, Hải Phong đến sớm 2 tiếng để trang điểm. Trước khi trang điểm, Hải Phong nói, anh đã ngắm nhìn ảnh cô dâu chú rể và nhận ra chú rể trẻ hơn rất nhiều so với cô dâu. Bản thân cô dâu cũng mong muốn được trang điểm để che đi các khuyết điểm và phải nhìn trẻ hơn chú rể.

Nhận yêu cầu của cô dâu, Hải Phong đã định hình phong cách và trang điểm cho cô dâu này. Kết quả, nhìn cô dâu trẻ hơn cả chục tuổi. Cô dâu soi gương xong cũng tủm tỉm hài lòng với khuôn mặt của mình. Tuy nhiên, đang lúc hoàn tất khâu làm tóc thì một người đàn bà to béo, vàng đeo trĩu người xuất hiện và quát lớn, yêu cầu Hải Phong phải trang điểm lại cho cô dâu.

“Bà ấy bảo, cô dâu quá già so với tuổi, phải trang điểm làm sao để nhìn cô dâu như mới 25 ” - Hải Phong nói. Tuy không đồng ý với nhận xét của mẹ cô dâu, nhưng chiều ý khách, Hải Phong cũng trang điểm lại.

Lần này, nhìn thấy con trẻ như gái đôi mươi, bà cười như được mùa. “Tuy nhiên, được ý bà thì lại mất ý ông” - Hải Phong cho biết.

Hải Phong kể, bố cô dâu là một “tay chơi”. Trên tay ông xăm rất nhiều hình thù kỳ quái. Ông cho rằng, con gái ông không nhất thiết phải “cưa sừng làm nghé”. Cô dâu phải được trang điểm tự nhiên, đúng tuổi.

Ông bố yêu cầu Hải Phong trang điểm lại cho cô dâu. Tuy nhiên, vì thời gian đã hết, họ nhà trai đã tiến gần đến cổng nên cô dâu và mẹ can ngăn.

“Càng can ngăn thì ông bố càng hung hãn. Ông ấy trợn mắt bắt em trang điểm lại. Song song với đó, ông ấy lao ra cổng, ngăn không cho gia đình chú rể bước vào. Họ phải đứng cổng chờ suốt 30 phút” - Hải Phong kể.

“Trong 30 phút đó, em làm việc với tâm trạng vô cùng lo lắng. Phần vì lo không hợp ý ông bố, phần lại lo không hợp ý cô dâu. Phần khác lại lo nhà trai không kiềm chế mà bỏ về hoặc hai họ đánh nhau thì khổ. Tuy nhiên, cuối cùng mọi việc cũng suôn sẻ nên em cũng đã thở phào “thoát” khỏi đám cưới một cách nhẹ nhàng ” - Hải Phong nói tiếp.

Lần khác, tại Hà Nội, anh cũng phải đứng ở thế khó xử khi gia đình thông gia không ưa nhau.

Hải Phong kể, bố mẹ cô dâu, chú rể đều là những thương gia giàu có. Tuy nhiên, mẹ chú rể từng là người yêu cũ của bố cô dâu. Một thời gian dài, bố cô dâu muốn liên lạc với người cũ nên vợ ông vô cùng đau khổ. Bà đến tận nhà người cũ của chồng để đánh ghen khiến hai gia đình không nhìn mặt nhau.

Tạo hóa trêu ngươi, hai người con lớn của họ lại yêu và có thai với nhau. Vì thế, đám cưới bắt buộc phải diễn ra.

“Đám cưới được tổ chức ở một khách sạn lớn tại Hà Nội. Em được thuê đến trang điểm cho cô dâu và hai bà thông gia. Trong lúc trang điểm, em đã rất khổ sở vì cô dâu nghén, đang trang điểm thì đứng dậy nôn thẳng về phía em, may mà em tránh được nên không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, lúc trang điểm cho hai người mẹ thì em bối rối thực sự” - Hải Phong nhớ lại.

Anh cho biết, hai bà mẹ đều yêu cầu được trang điểm trước và người nào cũng bí mật yêu cầu Hải Phong trang điểm cho mình thật đẹp nhưng trang điểm cho người kia phải thật xấu.

“Mẹ chồng của cô dâu còn nhét vào tay em tờ 100 USD để em trang điểm cho bà thông gia thật xấu. Tuy nhiên, em không dám nhận tiền. Em phải khéo léo nhận lời để được ý hai bà. Sau đó, trong lúc trang điểm, em vẫn làm hết sức mình. Người nào có nét nổi hơn thì khi trang điểm vẫn không thể xấu hơn được”- Hải Phong khẳng định.

Anh cho biết, đó chỉ là hai trong số vô vàn những tình huống trớ trêu mà anh đã gặp khi làm nghề. Tuy nhiên, mỗi lần gặp phải vị khách khó khăn, anh lại rút ra được kinh nghiệm cho mình. Hải Phong cho rằng, để có thể tồn tại trong nghề, tài năng là chuyện không phải bàn nhưng thái độ và cung cách phục vụ cũng là việc mà anh luôn phải học hỏi.