Chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn tất quá trình thực nghiệm. Ảnh: Như Ý. |
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thực nghiệm chương trình được triển khai dưới ba hình thức: trực tiếp khảo sát điều kiện dạy học ở các trường, lấy phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về chương trình các môn học, tổ chức dạy thử một số bài học để kiểm nghiệm tính khả thi và tác động của chương trình đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Các trường được chọn thuộc 6 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, bao gồm: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. Mỗi địa phương chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT đại diện cho các vùng thuận lợi, khó khăn trên địa bàn tham gia thực nghiệm. Như vậy, có 48 trường được chọn thực nghiệm đợt này.
Phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về chương trình các môn học được lấy qua hình thức trả lời online để khách quan và xử lý nhanh hơn. Giáo viên không cần ghi tên mình, tên trường khi trả lời các phiếu này. Hiện nay, phiếu đang được một nhóm chuyên gia độc lập xử lý.
Việc tổ chức thực nghiệm một số bài học đang được các trường tổng kết. Các bài học này kiểm nghiệm một số nội dung và phương pháp dạy học mới. Để chuẩn bị cho việc dạy thực nghiệm, Ban soạn thảo chương trình đã tổ chức tập huấn trong 2 ngày tại mỗi địa phương cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên dạy thực nghiệm; sau đó cử thành viên Ban soạn thảo theo dõi, hướng dẫn việc triển khai ở từng trường.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Đại học Cambirdge, thì ở nước ngoài người ta cũng không cần phải đợi đến khi viết xong SGK mới thực nghiệm mà thực nghiệm ngay trong quá trình làm chương trình, biên soạn SGK và cũng chỉ tập trung thực nghiệm cái mới.
“Đợt này chỉ là đợt thực nghiệm chương trình. Sau này, khi đã có SGK thì các đơn vị làm SGK sẽ phải tập huấn cho giáo viên để dạy những bộ SGK đó” – GS. Thuyết cho biết.
Giáo viên phải được chủ động
Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm, đó các môn học mới khi triển khai thực tế sẽ gặp phải những khó khăn gì? PGS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình môn Khoa học tự nhiên, cho biết theo yêu cầu của Ban soạn thảo, trong tiết dạy thực nghiệm, giáo viên cần sử dụng phương pháp tích cực hóa hoạt động học tập nhằm phát triển năng lực cho học sinh. Trước câu hỏi của phóng viên là việc thực nghiệm trong vòng 1 tháng có quá gấp và kết quả có khách quan không, PGS Mai Sỹ Tuấn nói : “Tôi quan niệm nhiều hay ít tiết không nói lên được điều gì. Quan trọng là chọn cái gì để dạy, dạy để đạt mục tiêu gì. Chúng tôi chọn một bài được cho là khó nhất trong chương trình THCS đó là bản chất hóa học của gene. Chọn bài khó mới dễ kiểm tra tính khả thi, phát hiện những điều chưa hợp lý để còn điều chỉnh”.
Còn TS Bùi Phương Nga, Chủ biên Chương trình môn Khoa học cấp tiểu học, cho biết khi thực nghiệm, Ban soạn thảo không có ý định “ăn bánh vẽ”. Chính vì vậy, các trường được chọn phải bảo đảm tính đại diện cho các vùng miền, các điều kiện dạy học khác nhau. GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử cho biết: “Trong hình dung ban đầu của tôi thì chắc chắn trường top đầu sẽ dạy thành công hơn trường ở vùng sâu vùng xa. Nhưng kết quả ngược lại. Ở một trường rất khó khăn của Cần Thơ thì học sinh lại tương tác rất tốt”.
GS Tung khẳng định vai trò cốt lõi của đổi mới chính là giáo viên. Ở đâu giáo viên hiểu được chương trình, hiểu được chủ ý của người soạn chương trình thì sẽ thành công. “Với chương trình mới, giáo viên không phải lên bục giảng “hát thánh ca” mà họ là người có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giáo dục. Từ các hoạt động đó, học sinh tìm và vận dụng được tri thức” – GS Phạm Hồng Tung cho hay.
Đúc rút từ quá trình thực nghiệm, PGS Mai Sỹ Tuấn cho rằng khi trao đổi với giáo viên, bao giờ giáo viên cũng nói họ khó khăn về thiết bị, phòng học. Tuy nhiên, qua thực tế, có thể thấy những khó khăn đó sẽ có cách để khắc phục. Khó khăn nhất chính là năng lực đổi mới phương pháp của giáo viên.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn, cũng khẳng định thách thức của môn học này không phải là nội dung mà là phương pháp dạy học.
Tuy nhiên, chủ biên các môn học và GS Nguyễn Minh Thuyết đều thống nhất một nhận định: Thành công của Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rất hạn chế nếu giáo viên vẫn phải “đánh vật” với 60 học sinh/lớp.
Về những nhân tố tạo nên động lực đổi mới của giáo viên, theo GS Thuyết, trước hết là chương trình. Một chương trình thật sự mới và có tính khả sẽ đem lại hứng khởi và niềm tin cho giáo viên.
Thứ hai là trách nhiệm của người viết SGK. Nếu ngay những cuốn SGK đầu tiên đã tạo ra được hiệu quả trong dạy học thì điều đó sẽ tác động mạnh đến giáo viên cả nước, giáo viên sẽ phấn khởi, quyết tâm thực hiện đổi mới.
Thứ ba là cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên. “Trong khi chưa thể tăng lương cho giáo viên thì đừng bắt giáo viên dạy tới 60 học sinh/lớp. Ở nước ngoài, mỗi lớp chỉ có từ 20 đến 25 học sinh. Theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, sĩ số một lớp ở tiểu học không được quá 35 học sinh; còn ở trung học, không được quá 45 học sinh. Thế mà hàng chục năm nay, nhiều địa phương vẫn để thầy trò làm việc trong điều kiện bất bình thường như vậy là không đúng” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Thứ tư là trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho giáo viên. Giáo viên phải được chủ động trong giảng dạy, không phải suốt ngày lo cấp trên dự giờ, bắt ne bắt nét. Có được tự chủ thì giáo viên mới có động lực đổi mới.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-dung-bat-giao-vien-day-60-hslop-a100443.html