Quang cảnh hội nghị đối thoại ngày 24/4. Ảnh: T.H |
Giải đáp nhiều vướng mắc đặc thù
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận cho biết, hiện tại khu chế xuất Tân Thuận có 151 DN thuộc 19 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động, với ngành nghề sản xuất kinh doanh rất đa dạng.
Ngoài ra, còn có hàng chục DN công nghiệp và DN dịch vụ hoạt động trong khu chế xuất. Nhìn chung các DN hoạt động tuân thủ đúng các quy định pháp luật hải quan. Trong đó, 127 DN phải nộp báo cáo quyết toán cho cơ quan Hải quan, các DN chấp hành khá tốt quy định này.
Tại hội nghị, Chi cục Hải quan Tân Thuận đã giải đáp nhiều câu hỏi vướng mắc liên quan đến loại hình đặc thù của DN chế xuất về chuyển tiếp nguyên phụ liệu thừa; phân loại DN theo các tiêu chí quản lý rủi ro; tài liệu kỹ thuật khi nhập khẩu máy móc cũ từ Trung Quốc; thanh lý nguyên phụ liệu dư thừa…
Công ty Khuôn mẫu và Sản phẩm kim loại Vina nêu vướng mắc: Khi nhập khẩu máy móc cũ của DN chế xuất, thời điểm nhập khẩu không thực hiện giám định chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, vậy khi thanh lý, bán nội địa có phải thực hiện giám định hay không? Giải đáp vướng mắc này, đại diện Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận cho rằng, DN nội địa mua từ DN chế xuất khi bán không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 23, DN bán thanh lý bình thường, không phải thực hiện giám định.
Giải đáp vướng mắc của Công ty SHS về xử lý phế liệu, phế phẩm da thuộc, lãnh đạo, đại diện Hải quan khu chế xuất Tân Thuận cho biết, nguyên tắc chung là tất cả các nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị dư thừa, thuộc quyền sở hữu của DN thì DN được thực hiện thanh lý. Nhiều trường hợp DN xử lý theo cách cho đi theo rác thải, không lập hồ sơ theo dõi, báo cáo cơ quan Hải quan, khi kiểm tra cơ quan Hải quan không có căn cứ để xác định phế liệu dư thừa cho DN, DN sẽ bị kết luận vi phạm trong sử dụng nguyên phụ liệu, bị bị xử lý vi phạm…
Tại hội nghị, cơ quan Hải quan ghi nhận, hướng dẫn DN một số vướng mắc liên quan đến việc thanh lý máy lạnh, máy tính cũ nhập khẩu phải tuân thủ chính sách mặt hàng, nếu tiêu hủy chi phí rất tốn kém…
Lưu ý hàng XNK tại chỗ
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận, đặc thù của DN chế xuất phần nhiều tờ khai XNK tại chỗ. Hiện lượng tờ khai XNK tại chỗ phát sinh tại chi cục chiếm 60% tổng số tờ khai hải quan. Tuy nhiên, trên thực tế lỗi sai sót của Dn khi thực hiện loại hình này còn phổ biến.
Các DN thường khai sai các chỉ tiêu thông tin của tờ khai hải quan, như: khai sai về mã loại hình, sai số vận đơn, ký hiệu và số hiệu của bao bì đóng gói hàng hóa, phương thức thanh toán…Đặc biệt DN không khai hoặc khai sai số quản lý nội bộ đối với các tờ khai XNK tại chỗ dẫn tới phát sinh rất nhiều tờ khai không được hệ thống xác nhận qua khu vực giám sát.
Để giải quyết tồn tại này, cơ quan Hải quan phải bố trí nhiều công chức rà soát thường xuyên, thống kê tờ khai tồn để báo cho DN khai bổ sung. Việc này vừa tốn thời gian của cơ quan Hải quan, vừa tốn thời gian của DN.
Bên cạnh đó, còn tình trạng DN đăng ký tờ khai XNK tại chỗ không đúng thời gian quy định trong thời hạn 15 ngày làm việc dẫn tới tờ khai XNK tại chỗ bị treo trên hệ thống, không được hệ thống xác nhận qua khu vực giám sát. Với vi phạm này, DN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, ảnh hưởng đến DN.
Về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, một số DN thực hiện chưa đúng các quy định về quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để đưa vào gia công sản phẩm, sản xuất hàng hóa xuất khẩu dẫn tới việc bị truy thu thuế rất lớn khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan.
DN chưa thực hiện đúng các trình tự quy định về thanh lý, không thực hiện thủ tục thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng, cố ý hoặc vô ý bán vào nội địa dẫn tới bị truy thu thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
Để hạn chế những sai sót nêu trên, Chi cục Hải quan khu chế xuất Tân Thuận đề nghị lãnh đạo các DN cần phải thực sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo bộ phận khai báo thủ tục hải quan phải thực hiện khai báo đúng các tiêu chí hướng dẫn tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, tránh trường hợp khai sai nhiều dẫn đến tới khai báo bổ sung nhiều hoặc hủy tờ khai nhiều. Đặc biệt, đối với tờ khai XNK tại chỗ DN phải mở tờ khai tại chỗ dúng thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu và sau khi hoàn thành việc giao nhận hàng hóa.
Đối với công tác báo cáo quyết toán của DN chế xuất, qua theo dõi, cơ quan Hải quan cho rằng, một số trường hợp chưa chú trọng công tác xây dựng, quản lý định mức theo Điều 55 Thông tư 38. Hiện tại, DN phần nhiều xây dựng định mức sử dụng chứ không phải định mức thực tế; việc theo dõi, quản lý hồ sơ thanh lý máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dư thừa chưa được coi trọng; sự kết nối giữa bộ phận kế toán – XNK- kho của DN chưa chặt chẽ, thống nhất… Cơ quan Hải quan đã trao quyền cho DN trong việc xây dựng và quản lý định mức, DN cần lưu ý thực hiện cho đúng và tận dụng quyền cùa mình.
Cơ quan Hải quan lưu ý DN chế xuất, khi nhận gia công cho DN nội địa , trước khi thực hiện gia công, DN nội địa phải nộp thông báo hợp đồng gia công, chứ không phải thông báo cơ sở sản xuất như một số DN thường nhầm lẫn.
DN nội địa nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị ngay sau khi kết thúc hợp đồng. DN chế xuất không phải nộp báo cáo quyết toán hoạt động này.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-quan-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-trong-khu-che-xuat-tan-thuan-a100589.html