Tại diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cơ quan điều phối Liên Minh Nông Nghiệp tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều mặt yếu kém trong các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Thua kém lớn nhất
“Yếu kém nhất là khả năng minh bạch hóa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhận xét như vậy.
Việc thiếu minh bạch thông tin khiến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam thua trên tất cả các thị trường, thậm chí thua cả trên thị trường nội địa của chính mình.
Việt Nam được coi là vựa trái cây, đặc biệt mạnh khu vực miền Tây Nam bộ nhưng Việt Nam lại phải nhập rất nhiều trái cây từ Thái Lan mỗi năm. Thậm chí, Tiến sĩ Đào Thế Anh còn chỉ ra những điều đáng tiếc hơn nữa là Việt Nam đi đầu sản xuất hạt tiêu nhưng giá hạt tiêu trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 90000 đồng/kg; trong khi đó, giá hạt tiêu của Thái Lan là 150.000 đồng/kg và được thị trường thế giới chấp nhận dễ dàng hơn hạt tiêu của Việt Nam.
Giám đốc điều hành tập đoàn NajaNon SIAM Internationalfood (SIAM), ông Siwat Yeesunsang cho hay mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 1000 container hoa quả tươi từ Thái Lan, chưa tính các sản phẩm chế biến đông lạnh khác.
Ông Siwat Yeesunsang giám đốc điều hành tập đoàn SIAM lí giải: “Việt Nam là nơi sản xuất hoa quả rất mạnh nhưng chính người Việt Nam tìm đến các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Thái Lan vì quy trình sản xuất của chúng tôi chuẩn và minh bạch. Khách hàng có thể tra xuất thông tin sản phẩm trong từng quy trình nhỏ sản xuất và chất lượng sản phẩm khi ra thị trường qua ứng dụng Blockchain (chuỗi khối).
“Quy trình sản xuất ra sản phẩm vô cùng quan trọng và chúng tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình. Sản phẩm của chúng tôi không thiếu, không thừa nước, phân và người tiêu dùng rất tin vào quy trình của chúng tôi. Chúng tôi có niềm tin từ người tiêu dùng Việt và họ tự chọn lựa chúng tôi”.
Tương tự SIAM, mỗi năm AIM Thai cũng xuất khoảng gần 1000 container hoa quả vào Việt Nam. “AIM Thai nhập nhiều sản phẩm của Việt Nam để xuất qua Trung Quốc. Các sản phẩm chất lượng cao của AIM Thai cũng nhập rất nhiều vào Việt Nam”, ông Mongkhon Kobkitthanarueang - đại diện tập đoàn AIM Thai nói.
Ông Siwat Yeesunsang giám đốc điều hành tập đoàn SIAM cho hay mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 1000 container hoa quả tươi từ Thái Lan Điều đáng buồn là các sản phẩm nông nghiệp không những thua trên thị trường nội địa, ngay cả việc xuất khẩu để đến những thị trường tốt, hoặc thị trường truyền thống như Trung Quốc thì các đối tác nhập khẩu cũng chọn đối tác Thái Lan chứ không phải đối tác Việt Nam. |
Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT công ty Lina Network, đơn vị chuyên nghiên cứu công nghệ Blockchain đánh giá: “Khách hàng trên toàn thế giới có thể truy cứu thành phần, quy trình các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan nên họ rất yên tâm.
Khách hàng họ cần gì? Họ cần sự minh bạch, bất biến, mọi lúc, mọi nơi, an toàn, liên kết, chuẩn hóa về sản phẩm nông nghiệp. Điều này các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có được nhưng sản phẩm của Thái Lan đã giải quyết được tất cả.
Đó là lí do tại sao sản phẩm nông nghiệp Thái Lan dù giá cao, chưa chắc có lợi thế chất lượng hơn sản phẩm của Việt Nam nhưng vẫn được khách hàng tìm đến. Họ không cần mất quá nhiều chi phía quảng cáo mà vẫn hiệu quả trong việc tìm kiếm khách hàng”.
Quản trị kém gây rủi ro
Việc quản trị chính sách nông nghiệp kém còn được đại diện Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) chỉ ra: Chính quyền địa phương nhiều khi ưu tiên phát triển một sản phẩm nông nghiệp chuyên canh, chuyên sâu.
Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường lại không có nên thường xuyên xảy ra vấn đề khủng hoảng thừa, gây lãng phí.
Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông nghiệp Việt Nam lấy ví dụ: “Trong lĩnh vực chăn nuôi, như nuôi lợn chẳng hạn, nhiều đại gia thấy nuôi lợn có lãi nên đổ xô vào tăng đàn.
Tăng đàn xong, không bán được, không ai định hướng nên chúng ta liên tục rơi vào tình trạng giải cứu triền miên năm này qua năm khác. Việc quản lý hệ thống chuỗi của chúng ta rất kém”.
Viết Nam nhập ngày càng nhiều hàng từ Thái Lan |
Các tập đoàn thương mại khi làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp đều cảm thấy các thủ tục hành chính quá rườm rà, gây cản trở cho khâu xuất khẩu.
Ông Mongkhon Kobkitthanarueang, đại diện cho AIM Thai chia sẻ: “Vấn đề kiểm tra và vận chuyển sản phẩm của phía Việt Nam quá chậm. Khâu kiểm tra an toàn sản phẩm trước khi xuất khẩu thường bị đình trệ”.
Đối với những kiến nghị, AIM Thai có đưa ra là: “Vấn đề kiểm tra và Quota của Việt Nam cần cải thiện. Tất cả các tập đoàn thương mại đều sợ các thủ tục chậm trễ”.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hang-viet-nam-thua-hang-thai-lan-dau-don-vi-sao-a100642.html