Tại hội thảo "Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho hay trong SGK Giáo dục công dân có những thứ cần đẩy lên sớm hơn, như lạm dụng tình dục mới đưa vào từ SGK lớp 5, trong khi đó có nhiều em rất bé đã bị xâm hại, thậm chí là từ hơn 1 tuổi, như thế là quá muộn.
Có trường hợp trẻ 17 tháng đã bị xâm hại
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, thực tế cho thấy vấn đề trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian qua đáng suy nghĩ. Chúng ta không thể khẳng định trẻ bây giờ bị xâm hại nhiều hay hơn ngày xưa, nhưng phụ huynh hiện đại không ngại ngùng nêu ra vấn đề để trừng phạt người bị xâm hại và giáo dục chung để quản lý trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Đ.T. |
"Tôi nhớ câu chuyện bé gái 17 tháng tuổi ở Bắc Giang bị xâm hại tình dục, từ đó chúng ta phải thấy thực tiễn vấn đề cần được giáo dục sớm hơn, ngay từ tuổi mẫu giáo", bà Hòa nói.
Ngay từ nhỏ, chúng ta cần dạy trẻ về "quy tắc 5 ngón tay". Quy tắc này rất đơn giản, sẽ giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình.
Ngón cái - gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.
Ngón trỏ tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào "vùng đồ bơi", bé sẽ hét to và gọi mẹ.
Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.
Ngón áp út - người quen của gia đình bé mới gặp lần đầu. Với những người này, bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
Ngón út - ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an. Với những người này, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
"Có một điều đáng lo ngại là thực tế cho thấy những người xâm hại trẻ lại là người lớn, người quen, người đáng kính trọng. Điều này gây thách thức trong việc dạy con, không cho con tiếp xúc với người lạ nhưng người quen cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm và để ý đến con nhiều hơn", bà Hòa nói.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nhìn vào chương trình SGK phổ thông hiện nay vẫn còn định kiến giới. Trong SGK, sự xuất hiện các hình ảnh là nữ vẫn còn ít.
Cụ thể, phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy ở cấp THCS, tỷ lệ nữ xuất hiện chỉ 33%; cấp THPT, tỷ lệ nữ chỉ 19%.
Ở nhân vật xuất hiện trong văn bản, cấp tiểu học, chỉ có 24% là nữ và cấp THPT, các nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong cấp học này chỉ chiếm 5%, còn lại là nam giới.
Do đó, bà Hòa kiến nghị cần đảm bảo sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học, hình ảnh minh họa.
Khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực không phải thế mạnh như phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình.
Giáo dục tài chính được chú trọng
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Đào Đức Doãn - Chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân, Ban soạn thảo - đã dự thảo lồng ghép giới và giáo dục tài chính vào các cấp học phổ thông qua các chủ đề, chuyên đề của bộ môn này.
PGS.TS Đào Đức Doãn - Chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân. Ảnh: Đ.T. |
Cụ thể, chương trình tiểu học có các chủ đề, kéo dài từ lớp 3 đến lớp 5. Trong đó, lớp 3 là chủ đề: "Biết ơn tổ tiên và người có công với quê hương đất nước"; lớp 4: "Quyền và bổn phận của trẻ em"; lớp 5: "Tôn trọng sự khác biệt của người khác".
Chương trình THCS với chủ đề "Quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dụ và tham gia của trẻ em Việt Nam" trong chương trình lớp 6.
Chương trình THPT, lớp 10 có chủ đề "Hiến pháp nước CHXHCNVN". Lớp 11 chủ đề "Quyền bình đẳng của công dân", "Quyền và nghĩa vụ của công dân về dân sự", chuyên đề "Pháp luật dân sự".
Lớp 12, chủ đề "Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, xã hội".
Tương tự ở nội dung về giáo dục tài chính, Ban soạn thảo đã xây dựng các chủ đề từ lớp 4 đến lớp 12.
Ngoài ra, ở các môn học khác như Ngữ Văn, Tự nhiên Xã hội và Chương trình khoa học mới, môn Toán, Chương trình hoạt động trải nghiệm... cũng đều có thông tin lồng ghép giới và giáo dục tài chính từ rất sớm.
Chẳng hạn ở môn Toán, ngay từ lớp 2, trong nội dung kiến thức chính khóa của chương trình khối lớp này, học sinh đã biết được giá trị lao động của đồng tiền thông qua một số bài học của môn Đạo đức và một số môn khác.
Hai chủ đề rất thiết thực khác cũng được học ở lớp này là "Quản lý thu, chi trong gia đình" và "Kế hoạch kinh doanh và cách lập kế hoạch kinh doanh".
Không chỉ 2 chương trình môn học/hoạt động này, mà các chương trình môn học khác như Ngữ văn, Tự nhiên Xã hội, Khoa học… cũng đều có những lồng ghép về kiến thức giáo dục tài chính.
Tuy nhiên, theo các chủ biên, mỗi môn học có một cách lồng ghép khác nhau, song đều định hướng giúp các học sinh phát triển được các năng lực có thể sáng tạo, vận dụng trong thực tế.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/sgk-lop-5-day-tre-ve-lam-dung-tinh-duc-la-qua-muon-a100770.html