Hàng loạt hợp tác xã "sống mà như chết": Thành lập dễ, giải thể khó!

Nhiều HTX dù đã dừng hoạt động nhiều năm nhưng nay vẫn không giải thể, gây hình ảnh xấu cho mô hình kinh tế HTX và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật

Theo Liên minh HTX Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 389 HTX, trong đó 97 HTX đã ngừng hoạt động. Nhiều hợp HTX đã dừng hoạt động nhiều năm nhưng đến nay chưa giải thể được do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Giám đốc đem con dấu đi biệt tích

Ông Bùi Văn Hiền, Trưởng Phòng Chính sách - Phong trào Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, cho biết 97 HTX dừng hoạt động có quy mô nhỏ, số lượng lao động thường xuyên không nhiều, mô hình chủ yếu tạo ra các dịch vụ cho các thành viên như cung cấp đầu vào, tìm đầu ra cho sản phẩm nên khi dừng hoạt động gây tác động không lớn.

Có nhiều nguyên nhân khiến 97 HTX này đến nay chưa giải thể được như: mất con dấu, giấy chứng nhận sử dụng con dấu, nợ thuế... Đối với việc mất giấy chứng nhận con dấu, khi làm thủ tục giải thể phải nộp phạt số tiền không lớn nhưng không ai chịu bỏ tiền ra nộp. Bên cạnh đó, giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị khi không làm ăn nữa thì cất con dấu rồi đi khỏi địa phương làm việc khác, không tìm ra để làm các thủ tục. Đối với HTX chưa hoàn thành thuế thì phải sau nhiều năm ngừng hoạt động mới được xóa nợ thuế nên việc giải thể các HTX gặp khó khăn.

Theo ông Hiền, việc HTX ngừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể làm xấu hình ảnh HTX. Dù đến nay chưa xảy ra cảnh HTX đã dừng hoạt động nhưng người giữ dấu sử dụng nó vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không loại trừ tình trạng sử dụng con dấu để lừa đảo.

 Mô hình trồng ớt xuất khẩu của nông dân xã Thăng Long, huyện Nông Cống,

tỉnh Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH

Khi HTX không tiến hành các thủ tục giải thể, các huyện phải thành lập hội đồng giải thể bắt buộc. Dù vậy, quá trình thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc như HTX không hợp tác làm các thủ tục liên quan. "Có trường hợp HTX mang con dấu, giấy chứng nhận đến rồi vứt đó nói "ông làm gì thì làm" thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể giải thể vì lỡ HTX có mắc nợ nần mà cơ quan chức năng không biết. Có HTX nợ mấy triệu đồng tiền thuế nhưng không ai chịu nộp khiến bao năm chưa giải thể được" - ông Hiền nói.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao. Số HTX kinh doanh có lãi tăng nhưng còn ít và chưa ổn định, thu nhập của thành viên thấp, chưa thu hút được người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề. Đa số HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật lạc hậu, thiếu tài sản thế chấp nên khó vay vốn, bản thân HTX cũng không huy động được vốn của các xã viên. Nhìn chung, HTX chưa thể hiện được rõ nét vai trò, vị trí trong nền kinh tế.

Chỉ có danh mà không phận

Tại tỉnh Quảng Ngãi, 50% số HTX được xếp loại từ trung bình, yếu, kém trở xuống. Hiện 28 HTX đã ngưng hoạt động, chờ giải thể.

Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, nhìn nhận việc tổ chức, đăng ký lại ở một số HTX còn là "bình mới rượu cũ" khi chưa có sự thay đổi về chất. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX tuy có tâm huyết, gắn bó với HTX nhưng tuổi cao, trình độ năng lực hạn chế nên chưa tạo đột phá. Nhiều HTX ngưng hoạt động nhiều năm nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa giải thể được… Những tồn tại, hạn chế này UBND tỉnh đang giải quyết, phấn đấu đến năm 2020 đưa HTX của tỉnh cơ bản thoát khỏi tình trạng yếu kém, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Ông Hồ Quý Nhân, Phó Chủ nhiệm Liên minh HTX Quảng Ngãi, cho biết những HTX yếu kém chủ yếu hoạt động nông nghiệp, đánh bắt, còn các HTX phi nông nghiệp nhìn chung việc kinh doanh vẫn khả quan hơn. "Phương án hiện nay của chúng tôi là đôn đốc các địa phương kiên quyết giải thể những HTX ngưng hoạt động nhiều năm và không thể củng cố lại. Chủ trương của tỉnh là ít HTX nhưng có cái nào là ổn cái đó, nhiều mà chỉ có danh không có phận thì không nên" - ông Nhân nói.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/hang-loat-hop-tac-xa-song-ma-nhu-chet-thanh-lap-de-giai-the-kho-a100887.html