Giám đốc kinh doanh đa cấp lừa đảo hơn nửa tỷ đồng sắp hầu tòa

TAND TP Cần Thơ chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án \"Lừa đảo chiếm đoạt tài sản\" bằng hình thức kinh doanh đa cấp để huy động vốn với bị cáo Trịnh Xuân Mạnh (38 tuổi; ngụ đường Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM).

Ngày 30/4, thông tin từ TAND TP.Cần Thơ, cơ quan này đã hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị đưa ra xét xử bị cáo Trịnh Xuân Mạnh (38 tuối, ngụ số 229/39, Bùi Thị Xuân, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM), nguyên giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư bất động sản RFIVN (gọi tắt là Công ty RFIVN), có trụ sở chính tại số 307/1A Nguyễn Văn Trỗi (P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM), về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vietnamnet đưa tin.

 Trịnh Xuân Mạnh. Ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam

Theo cáo trạng, Mạnh mua tên miền trang web wrti-roy.com và thuê một số người làm cố vấn, kế toán, giám đốc tài chính… Mạnh gắn mác Công ty RFIVN là công ty đại diện cho tập đoàn RFI của Mỹ tại Việt Nam, chuyên đầu tư vào các dự án lớn về bất động sản. Mạnh còn mở thêm 4 chi nhánh của Công ty RFIVN từ Bắc vào Nam để thu hút nhiều nhà đầu tư.

Thủ đoạn của Mạnh là tổ chức nhiều cuộc hội thảo về kinh doanh đa cấp, kêu gọi nhiều người tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng hình thức góp vốn, hứa hẹn trả lãi suất cao.

Để trở thành cổ đông của Công ty RFIVN, người đầu tư phải ký hợp đồng góp vốn ít nhất 1.000 USD, trong đó phí duy trì tài khoản là 10 USD. Sau đó, người đầu tư được cấp tài khoản, được trả tiền vốn và lãi theo hợp đồng góp vốn thông qua tài khoản của ngân hàng.

Đối với những người giới thiệu thêm được người đầu tư vào công ty, Mạnh tuyên bố chi 5% trên tổng số tiền giới thiệu đầu tư và 0,25% trên tiền hoa hồng môi giới. Mạnh đưa ra nhiều mức thưởng hấp dẫn như tặng xe ô tô, tặng vàng cho người nào giới thiệu thêm người đầu tư mới.

Theo thông tin trên Thanh Niên, qua điều tra xác minh, công ty RFIVN không phải là công ty đa quốc gia, không tham gia vào những dự án như Mạnh nói và hoàn toàn không có kinh doanh bất cứ gì để sinh ra lợi nhuận. Mục đích của Mạnh là kêu gọi nhiều người dân góp vốn, với lãi suất cao.

Lấy tiền của người đầu tư sau để trả cho người đầu tư trước. Sau khi thu hút nhiều người đầu tư thì Mạnh sẽ chiếm đoạt số tiền của họ.

Bằng thủ đoạn trên, chỉ trong một thời gian ngắn, có 14 người đã bị Mạnh lừa đảo và chiếm đoạt số tiền hơn 531 triệu đồng.a

Link nội dung: https://haiphong24h.org/giam-doc-kinh-doanh-da-cap-lua-dao-hon-nua-ty-dong-sap-hau-toa-a100956.html