Ảnh minh hoạ |
Có đến 50% người đưa đón trẻ không phải là bố mẹ của trẻ. Đến trên 50% trẻ ăn sáng một cách vội vàng ở các hàng quà vặt ngay tại cổng trường. Có khá nhiều bố mẹ - khoảng 30% - luôn đưa con vào tận cổng trường cho tới tận chỗ bị cấm đi xe bất chấp bãi đỗ xe chỉ cách cổng 30m và việc cố phi xe vào cổng trường khiến hôm nào con ngõ nhỏ cũng tắc. Con số 30% này sẽ tăng nữa nếu gặp điều kiện thuận lợi.
Bên trường mẫu giáo, buổi chiều luôn có các phụ huynh vừa đón con vừa mang theo sinh tố, nước hoa quả, cháo,... cho con ăn ngay ở sân trường mà nhất quyết không chịu cho con về nhà ăn dù chỉ mất khoảng 10 phút.
Và 80% phụ huynh để xe ở bãi đỗ xe theo cách cứ có chỗ trống là lao vào bất kể hàng lối, bất kể chắn đường người để xe trước.
Rồi kết quả là gì khi những em bé cấp mầm non, lớp 1, lớp 2 này trở thành học sinh cấp 3? Là một giáo viên, mình thường được nghe phụ huynh than thở thế này.
1. Con tôi nó không chịu nói chuyện, chia sẻ với bố mẹ cô ạ. Nó chỉ thích bạn bè thôi. Nói chuyện với các con khó quá...
2. Con tôi nó chẳng có ý thức gì cả cô ạ. Sáng nào đi học mẹ cũng gọi mỏi mồm không dậy, chả chịu ăn sáng ở nhà, hôm nào cũng vội vội vàng vàng tới lớp, không biết tự lo cho mình, không lo lắng chuyện đi học muộn, không thèm ăn sáng...
3. Cô ơi, cô dạy cháu nó quét nhà hộ tôi được không? Đấy, bằng đấy tuổi mà cái nhà cũng không biết quét, ở nhà lười lắm cô ạ, không biết làm việc nhà đâu. Cô ơi, cô giao cho cháu một chức vụ gì trong lớp cho nó có ý thức trách nhiệm hơn với ạ, chứ ở nhà chỉ ỷ vào bố mẹ...
4. Bọn trẻ con bây giờ ăn uống nhồm nhoàm, chả có ý thức hay văn hóa cư xử gì cô ạ. Bố mẹ nhiều khi nấu cho nó rồi nó không ăn. Thực tế, ở trường em rất đau đầu vụ học sinh mang đồ ăn lên lớp. Giờ học sinh không ăn kiểu bánh mì, bánh ngọt cho nhanh đâu ạ, mà là mì trộn, miến, bánh, kể cả canh, nước. Lớp học giờ ra chơi như một căng-tin thu nhỏ. Cấm thì không xuể mà nhìn thì cực phản cảm.
5. Rất nhiều người lớn vẫn hay chê tụi nhỏ giờ ích kỉ, cư xử nơi công cộng kém, không nhường ghế cho người già khi đi xe buýt, không biết xếp hàng, chen lấn xô đẩy, chửi tục nói bậy,… Nghĩa là rất nhiều ứng xử nơi công cộng của giới trẻ không thực đẹp và chuẩn mực.
Các mẹ sẽ thấy mối liên quan giữa những gì mình nhìn thấy ở cổng trường mỗi ngày đón con và những gì mình được nghe, được nhìn về những đứa trẻ khi lớn hơn?
Mình chỉ muốn nói rằng mỗi người lớn chúng ta cần học làm cha mẹ. Chính chúng ta cần vượt qua cơn lười, cơn tiện để cư xử dù nhỏ thôi cho đúng mực, làm gương tốt nhất cho con cái mình.
Nếu không bỏ công giáo dục uốn nắn, không tự giáo dục bản thân cho tốt thì các bài học lí thuyết dù sâu sắc cũng không thể tác động đến trẻ.
Không để cho con đi bộ 30m mỗi sáng vào trường nhưng lại muốn con lao động chăm chỉ khi lớn, không rèn cho con dậy đúng giờ mỗi sáng, ăn uống đàng hoàng đi học nhưng lại chờ con có ý thức tự giác tự biết lo việc đi học, đi làm của mình khi lớn,… là những nghịch lý mà mỗi phụ huynh chúng ta nhiều khi không nhìn ra được.
Việc có sự hỗ trợ của ông bà, cô dì chú bác trong quá trình nuôi dạy trẻ là cần thiết và đôi khi là không thể tránh khỏi, song bố mẹ cũng phải nhìn lại thời gian mình đầu tư cho con cái. Khi con còn bé không tạo được sợi dây bền chặt thì khi con lớn, dưới tác động của tâm sinh lý và môi trường xã hội, việc con xa mình, hay mình không thể kiểm soát được con là chuyện rất dễ hiểu.
Việc nhỏ ghi lại mong gợi được suy nghĩ cho những ai đang trăn trở và nuôi con trong hoang mang. Dạy con rất khó nhưng cũng không quá phức tạp. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ hàng ngày, bằng tự giáo dục bản thân.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nhung-nghich-ly-phu-huynh-khong-nhin-ra-duoc-a101034.html