Anh Thanh, giám đốc một công ty luật đang mở tài khoản doanh nghiệp (DN) tại Ngân hàng (NH) TMCP Quốc tế (VIB), xác nhận vừa nhận được tin nhắn trừ tiền các loại phí dịch vụ với mức phí tăng 3-4 lần so với trước.
Xu hướng tăng phí giao dịch qua thẻ ATM, tài khoản cũng được nhiều NH thương mại áp dụng gần đây, gây phản ứng cho cả khách cá nhân lẫn DN.
Quá nhiều loại phí
Theo anh Thanh, anh vừa nhận được thông báo trừ phí SMS Banking với mức tăng từ 50.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng, phí dịch vụ Internet Banking (phí duy trì dịch vụ hằng năm, gói dịch vụ truy vấn) tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng. Chưa hết, công ty của anh còn bị thu thêm 1 triệu đồng phí duy trì số dư tối thiểu tài khoản tiền gửi thanh toán, áp dụng cho tài khoản đang hoạt động có số dư nhỏ hơn số dư tối thiểu.
Eximbank vừa có thay đổi trong cách tính phí giao dịch qua Internet Banking Ảnh: Tấn Thạnh |
"Công ty tôi có số dư tiền gửi bình quân không kỳ hạn mở tại VIB từ 500-700 triệu đồng và sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản vẫn bị coi là khách hàng "hiệu quả thấp" và bị áp dụng mức phí tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. Mức phí tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng tới các DN nhỏ và vừa" - anh Thanh bức xúc.
Ngoài ra, biểu phí mới của VIB áp dụng cho một số DN đặc thù còn thu phí quản lý tài khoản tiền gửi thanh toán là 500.000 đồng/tháng, phí duy trì số dư tối thiểu tài khoản tiền gửi thanh toán (tài khoản đóng băng có số dư nhỏ hơn số dư tối thiểu) 1 triệu đồng/tháng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, VIB đang sắp xếp, sàng lọc lại danh sách khách hàng nên với những khách hàng DN có lượng giao dịch thấp hoặc ít hơn số dư tối thiểu quy định sẽ tăng phí hoặc đóng tài khoản. Do đó, theo VIB, số lượng khách hàng DN bị ảnh hưởng bởi chính sách phí tăng cao này sẽ không nhiều.
Hiện nhiều NH thương mại khác cũng trong xu hướng tăng phí với khách hàng cá nhân. Từ ngày 12-5, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) sẽ điều chỉnh phí rút tiền nội mạng qua thẻ ATM từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần (gồm cả thuế GTGT), tăng phí chuyển khoản liên NH tại ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.
Ngày 7-5, một số khách hàng của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết vừa nhận được thông báo trừ phí giao dịch qua Internet Banking 11.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng, chủ thẻ ATM của Eximbank sẽ phải đóng phí SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking tổng cộng 33.000 đồng nếu có sử dụng dịch vụ.
Trước đó, từ tháng 3-2018, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng 2 lần điều chỉnh các loại phí như SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng, phí chuyển khoản nội mạng với số tiền trên 50 triệu đồng là 5.500 đồng/tháng và phí quản lý tài khoản 2.200 đồng/tháng. Nhiều khách hàng của Vietcombank cho rằng cứ mỗi đầu tháng, hàng loạt tin nhắn báo trừ phí được gửi về điện thoại từ SMS Banking, Mobile Banking và Internet Banking (tổng cộng 33.000 đồng, bao gồm thuế GTGT). Đây là mức phí cố định thu hằng tháng, còn mỗi lần phát sinh giao dịch chủ thẻ sẽ tiếp tục bị trừ phí.
Giảm dịch vụ để đỡ tốn kém
Agribank, Vietcombank… là những NH thương mại có lượng phát hành thẻ lớn nên mỗi lần điều chỉnh mức phí dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến khách hàng. Nhiều người có 2-3 thẻ ATM ở các NH nên càng tốn nhiều phí nếu duy trì cùng lúc dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking.
Chị Giang (ngụ quận 9, TP HCM) sử dụng cùng lúc 2 thẻ ATM của Eximbank và Vietcombank nên mỗi tháng chị tốn gần 100.000 đồng phí dịch vụ. Vì vậy, chị đang tính hủy một thẻ hoặc cắt bớt dịch vụ không cần thiết. Anh Dương (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết ban đầu anh mở thẻ tín dụng của Vietcombank, sau đó cơ quan chuyển lương từ NH khác sang Vietcombank nên anh có thêm một thẻ ATM nhưng có tới 2 tài khoản. Mỗi tháng, anh đều nhận được tin nhắn trừ phí SMS Banking cho 2 số tài khoản, tổng cộng hết 22.000 đồng. Nếu muốn hủy, phải ra chi nhánh NH cắt và tốn phí 50.000 đồng.
Theo lãnh đạo nhiều NH, việc điều chỉnh phí tăng nhằm bù đắp chi phí đầu tư hệ thống ATM và NH điện tử nhằm gia tăng tiện ích và bảo mật cho khách hàng. Tăng phí cũng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhưng khách hàng cho rằng họ phải gánh quá nhiều phí. Chẳng hạn, biểu phí dịch vụ thẻ của Agribank cho thấy một chủ thẻ ATM khi giao dịch trên máy ATM, E-Mobile Banking sẽ tốn hàng loạt phí như phí phát hành thẻ, phí phát hành lại thẻ, phí rút tiền tại ATM, phí chuyển khoản, phí in sao kê. Ngoài ra, chủ thẻ còn tốn một số loại phí khác như phí xác nhận theo đề nghị của chủ thẻ, phí tra soát khiếu nại (trường hợp chủ thẻ khiếu nại sai), phí yêu cầu cấp lại mã PIN, phí trả thẻ do máy ATM thu giữ, phí thay đổi hạn mức tín dụng thẻ/hạn mức thấu chi thẻ, phí mở khóa thẻ, phí dịch vụ phát hành nhanh…
Tăng phí phải đi kèm với nâng cấp chất lượng dịch vụ và an toàn, trong khi gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ mất tiền trong tài khoản, thẻ ATM khiến khách hàng lo lắng. Ở góc độ khác, theo TS Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính, NH được hưởng lợi từ các dịch vụ thẻ mà khách hàng sử dụng. Mỗi chủ thẻ thường phải duy trì số dư nhất định trong tài khoản (phổ biến tối thiểu 50.000 đồng/tài khoản) và các NH có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn này để kinh doanh. Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của nhiều NH thương mại đến từ phí dịch vụ ngày càng tăng. Trong các kế hoạch kinh doanh, không ít NH hướng nguồn thu sang dịch vụ, giảm bớt lãi từ tín dụng và chuyển sang lãi từ phí.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/phi-ngan-hang-tang-doanh-nghiep-buc-xuc-a101378.html