Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN. |
Sau nhiều tuần để dư luận đồn đoán, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo chính thức sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 ở Singapore.
"Cuộc gặp được mong chờ giữa ông Kim Jong-un và tôi sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6. Cả hai chúng tôi sẽ cố gắng biến sự kiện trở thành một thời khắc đặc biệt cho hòa bình thế giới", ông chủ Nhà Trắng đăng trên mạng xã hội Twitter.
Giới chuyên gia cho rằng có nhiều lý do để Singapore được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử thay vì hàng loạt "ứng viên" sáng giá khác như Thụy Sĩ, Mông Cổ hay thậm chí Khu Phi quân sự (DMZ) ở ngay biên giới Hàn - Triều.
Quan hệ tốt với cả hai nước
Theo Washington Post, Singapore có mối quan hệ chính trị, kinh tế tốt đẹp với cả Mỹ lẫn Triều Tiên.
Với Mỹ, dưới thời tổng thống George W. Bush, hai nước đã đạt thỏa thuận về thương mại tự do và vào năm 2012, chính quyền tổng thống Barack Obama đã đồng ý nâng cấp quan hệ với Singapore lên thành đối tác chiến lược. Ba năm sau, hai bên ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh đáng chú ý.
Bên cạnh đó, Singapore cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên ngay từ năm 1975 và Triều Tiên còn mở đại sứ quán ở Singapore. Trước năm 2016, Singapore còn cho phép công dân Triều Tiên tới nước này mà không cần thị thực.
Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Singapore chỉ rơi vào căng thẳng sau sự việc người bị nghi là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị ám sát tại Malaysia, quốc gia láng giềng của Singapore, vào năm ngoái, và việc Singapore ủng hộ các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên. Dù vậy, quan hệ ngoại giao song phương vẫn được duy trì.
Các tổ chức phi chính phủ, ví dụ như Choson Exchange, từng đưa công dân Triều Tiên tới Singapore. Theo thông báo đăng trên tài khoản Twitter chính thức của Choson Exchange, từ năm 2009 đến nay, họ đã đưa hơn 100 người Triều Tiên đến Singapore để tham quan, chữa bệnh.
Nhìn chung, Singapore lâu nay vẫn xây dựng hình ảnh là một đất nước trung lập trước các vấn đề toàn cầu. Chính phủ Singapore từng có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện ngoại giao chỉ trong thời gian ngắn, ví dụ như cuộc gặp lịch sử hồi năm 2015 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ Mã Anh Cửu.
"Singapore là một người bạn lớn đối với Mỹ và luôn cố gắng để trở thành bạn với tất cả các nước. Vậy nên, họ được đánh giá là một quốc gia đáng tin cậy trên toàn thế giới", cựu đại sứ Mỹ tại Singapore David Adelman nhận xét.
Vị trí địa lý gần Triều Tiên
Giới phân tích từng suy đoán Triều Tiên sẽ tìm cách để thúc ép ông Trump đến Bình Nhưỡng, không chỉ bởi điều này có thể khiến hình ảnh ông Kim trở nên quyền lực hơn mà còn vì một chuyến công du nước ngoài dễ mang đến những rủi ro cho lãnh đạo Triều Tiên.
Các chuyên gia cũng lo ngại dàn phi cơ lỗi thời của Triều Tiên khó lòng đưa ông Kim bay thẳng tới địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh nếu nó diễn ra ở một nơi quá xa Bình Nhưỡng.
Singapore có lợi thế nằm gần Triều Tiên, chỉ cách khoảng 5.000 km, hoàn toàn trong tầm hoạt động của chuyên cơ Chammae-1 có thể được ông Kim dùng để công du nước ngoài. Tầm bay tối đa của Chammae-1 là khoảng 9.200 km nhưng nó chưa bao giờ bay khoảng cách xa đến như vậy.
Singapore còn là một siêu đô thị với cơ sở vật chất hiện đại, tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, đi từ một quốc gia nghèo khó, hạn chế về tài nguyên, trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ trong vài thập kỷ. Chi tiết này rõ ràng có sức cuốn hút với lãnh đạo Triều Tiên khi ông đang đặt mục tiêu cải cách kinh tế đất nước.
Trung lập
Có rất nhiều lựa chọn cho địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng đa phần chúng đều có những rào cản chính trị nhất định. Tổ chức ở Mỹ hay Triều Tiên nghe có vẻ hợp lý nhưng lựa chọn một trong hai địa điểm trên đều mang tới cảm giác mất cân bằng quyền lực khi đàm phán. Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng được đưa ra cân nhắc nhưng rõ ràng hội nghị là cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump, không nên diễn ra ở nước có lợi ích liên quan mật thiết tới sự kiện, cây bút Adam Taylor từ Washington Post đánh giá.
"Không thể tổ chức đàm phán ở Trung Quốc được bởi tình báo Trung Quốc chắc chắn sẽ nghe ngóng mọi cuộc đối thoại bên lề thượng đỉnh Trump - Kim", CNBC dẫn lời ông Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tản bộ sau khi trồng cây lưu niệm tại DMZ hôm 27/4. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Trump từng gợi ý tổ chức hội nghị ở DMZ trên biên giới Hàn - Triều, song không ít người lo ngại làm như vậy sẽ khiến cuộc gặp trông như một phiên bản sao chép của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng trước.
Những giới hạn trong việc di chuyển của ông Kim buộc các nhà tổ chức phải chọn một địa điểm ở châu Á. Với thời gian chuẩn bị hạn hẹp, Singapore dù không mang ý nghĩa biểu tượng nhưng lại là nơi đáp ứng tốt hơn cả các yêu cầu thực tiễn.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ly-do-singapore-duoc-chon-de-to-chuc-thuong-dinh-my-trieu-a101614.html