Dồn dập đưa người vào điều hành
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) diễn ra ngày 20/4, Nawaplastic Industries của người Thái đã chính thức đưa 3 đại diện vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 sau khi nâng mạnh sở hữu tại công ty này lên trên ngưỡng 50%.
Tại đại hội, Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái) cho biết họ không phải là nhà đầu tư tài chính, mà tới để quản trị doanh nghiệp và sẽ tìm kiếm các giải pháp giúp các công ty sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trước đó, trong trong đợt thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại BMP hồi tháng 3, The Nawaplastic Industries đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,89% sau đó mua thêm hơn 800.000 cổ phiếu ngoài thị trường.
Hồi giữa tháng 4/2018, thương vụ thâu tóm chưa từng có của Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam đã khép lại với việc người Thái làm chủ tịch Sabeco sau khi bỏ ra 5 tỷ USD để thâu tóm hơn 53% cổ phần tại hãng bia lớn nhất Việt Nam. TCC có 3 đại diện trong HĐQT Sabeco .
|
Trong năm 2016, giới đầu tư đã chứng kiến các hoạt động thâu tóm mảng bán lẻ của các tập đoàn đến từ Thái Lan nhắm tới Big C và Metro.
TCC Holdings đã hoàn thành thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam vào tháng 1/2016 với giá hơn gần tỷ USD. Tới tháng 7/2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên mới thành Mega Market Vietnam. TCC cũng là tập đoàn đã mua Phú Thái Group.
Một tập đoàn lớn khác của người Thái - Central Group cũng đã chi 1 tỷ USD thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Tập đoàn này cũng như mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Lazora.
Trong khi đó, Tập đoàn SCG đã “cắm rễ sâu” vào nền kinh tế Việt Nam. Năm 2011, SCG đã chi 240 triệu USD để thâu tóm Prime Group, công ty gạch men lớn nhất Việt Nam. Sau đó, SCG tiếp tục chi gần 160 triệu USD để mua lại công ty Xi măng StarCemt từ phía Kusto Group.
Sau một loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bao bì, vật liệu xây dựng, theo Nikkei, Tập đoàn SCG của người Thái có thể còn thâu tóm toàn bộ khu phức hợp hóa dầu Long Sơn quy mô 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tập đoàn này hiện giữ 71% vốn cổ phần dự án Long Sơn, phần còn lại thuộc về PetroVietnam.
Riêng với việc thâu tóm Nhựa Bình Minh, Tập đoàn SCG đã sở hữu chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam từ nguyên liệu, sản xuất cho đến phân phối, bán hàng. SCG nắm trong tay các doanh nghiệp nhựa lớn nhất, bao gồm: Nhựa Tiền Phong, Bao bì Tín Thành và giờ đây là Nhựa Bình Minh. BPM là doanh nghiệp nhựa lớn nhất cả nước. BMP mua phần lớn nguyên liệu PVC để sản xuất thành phẩm từ Công ty TPC Vina thuộc Tập đoàn SCG.
Lấn sau vào nền kinh tế Việt
Trong lĩnh vực nông nghiệp, C.P Việt Nam (Thuộc C.P Group của Thái) là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi với doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ USD.
Trong thương vụ Sabeco, ThaiBev (thuộc TCC Holdings) chính thức sở hữu các thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333, có tuổi đời cả trăm năm. Thương vụ mở cửa cho Thaibev xâm nhập vào một trong những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á và sẽ giúp ThaiBev tham gia sân chơi khu vực và vươn ra đấu trường quốc tế.
|
Các tập đoàn Thái hiện cũng nắm giữ cổ phần tỷ lệ lớn tại nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác của Việt Nam. Nhóm cổ đông tỷ phú Thái Lan Charoen sở hữu khoảng 20% cổ phần Vinamilk. Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewery.
Với việc mua đứt hoặc tham gia sâu vào các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp của Thái sẽ giành được lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với những doanh nghiệp khác trên thị trường không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan mà cả khu vực khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 600 triệu dân đã hình thành từ cuối năm 2015. Hàng hóa Thái gần đây đã xuất hiện nhiều hơn trên thị trường Việt.
Với nhiều hệ thống bán lẻ thuộc về người Thái, hàng hóa Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh rất lớn, nhất là khi thuế suất nhập khẩu trong khu vực vào Việt Nam về 0%. Sản xuất nội địa có thể bị tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng sự thâm nhập của các tập đoàn Thái Lan vào Việt Nam là bình thường và không quá lo ngại bởi trong nước hàng loạt các doanh nghiệp Việt vẫn đang lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn trong khu vực.
Sự xuất hiện hàng loạt các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Petrolimex, Vincom Retail, Thế Giới Di Động, PNJ, T&T,... của các tỷ phú Việt cùng với nhiều mạng lưới bán lẻ đang khá thành công khiến nhiều người cảm thấy an tâm.
Với hàng loạt các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ, sức cạnh tranh và thâm nhập các ngõ ngách của doanh nghiệp Việt khá lớn. Trong khi đó, các tập đoàn lớn ngoại chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định. Metro của tỷ phú Thái sau khi đổi tên thành MM Mega Market trong gần 2 năm qua vẫn đang khá ì ạch. Hoạt động của BigC không còn mạnh như trước.
Hơn thế, BigC, Metro Việt Nam hay gần đây là ông lớn Nhật AEON là các doanh nghiệp lớn nhưng so với toàn ngành bán lẻ Việt Nam thì vẫn chưa thấm vào đâu. Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại gần đây là sự đổ bộ của các ông lớn bán lẻ trực tuyến Alibaba và Amazon. Các cơn bão này đã khuấy đảo thị trường bán lẻ nhiều nước trên thế giới.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/mua-gia-cuc-dat-bat-chap-lo-ngan-ty-am-muu-dai-gia-a101656.html