Không nợ, suốt ngày vẫn bị đòi

Cho vay tiêu dùng dễ dãi có thể là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng đòi nợ \"mạnh tay\"

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CTVBVNTD) thuộc Bộ Công Thương cho biết gần đây nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ "nhầm".

"Khủng bố" 10 cuộc gọi/ngày

Chị V.A - một chủ thuê bao của mạng VinaPhone - phản ánh tới cơ quan chức năng về việc liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa với mục đích "nhắc nợ", trong khi chị không hề vay của bất cứ tổ chức tín dụng nào. "Chị V.A cho hay dù đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng trên tiếp diễn nhưng vẫn bị gọi điện thoại trong suốt nửa năm, có những ngày phải nhận 10 cuộc" - đại diện Cục CTVBVNTD thông tin.

Theo thống kê, trong những tháng đầu năm, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục CTVBVNTD tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng với nội dung trên. Thậm chí, có trường hợp còn bị dọa sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án, công an vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản.

 Cho vay tiêu dùng ở một ngân hàng tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước tình trạng này, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục CTVBVNTD, khuyến cáo người dân các bước để tiến hành khiếu kiện nhằm tự bảo vệ bản thân. Cụ thể, trước hết cần tìm cách nắm được tên của đơn vị chủ quản nợ. Trong trường hợp nhân viên liên hệ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ quản khoản nợ thì người tiêu dùng cần tìm cách trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị đó. Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, người tiêu dùng mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở hỗ trợ người tiêu dùng.

Song song đó, Cục CTVBVNTD khuyến cáo người dân khiếu nại trực tiếp tới chính đơn vị chủ quản của khoản nợ để xác minh lại việc thu hồi nợ nhầm đối tượng. Nếu vẫn không được giải quyết và vẫn bị quấy rối bằng điện thoại, người tiêu dùng có thể khiếu nại lên Cục CTVBVNTD. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa người dân giải quyết khiếu nại thông qua email [email protected] hoặc tổng đài 1800.6838. Nhưng nội dung khiếu nại cần cung cấp số điện thoại, họ tên của người tiêu dùng, tên của đơn vị đòi nợ và tóm tắt nội dung vụ việc của người tiêu dùng" - đại diện Cục CTVBVNTD lưu ý.

Mang bóng dáng "xã hội đen"

Theo giới chuyên gia tài chính, các khoản nợ khó đòi phần nhiều thuộc diện vay tiêu dùng với các khoản vay được giải ngân khi chưa đủ điều kiện.

"Nhiều công ty tài chính tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp bán hàng trả góp khi ký hợp đồng vay vốn đã yêu cầu người vay phải kê khai 5-10 số điện thoại của người liên quan. Khi không trả nợ đúng hạn, các công ty này sẽ liên lạc với người nợ tiền và người thân của con nợ thông qua các số điện thoại khai báo. Nhiều trường hợp không chỉ khai báo số điện thoại của cha mẹ, vợ con mà còn khai khống nhiều số khác, dẫn đến có người bị đòi nợ oan" - một cán bộ của Bộ Công Thương giải thích.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công Thương cho rằng ngành tài chính nên có các giải pháp quản lý phù hợp đối với tín dụng tiêu dùng để tránh xảy ra nợ xấu từ một đối tượng mà gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bị "khủng bố" đòi nợ là do khách hàng chây ì, chậm trả, không muốn trả. Nhưng nguyên nhân sâu xa là các khoản vay tiêu dùng được giải ngân khi không bảo đảm, điều kiện cho vay quá đơn giản, quá dễ dàng thì khó trả nợ. Những sản phẩm vay khác không đến nỗi phát sinh nợ xấu như cho vay tiêu dùng. Ngoài nguyên nhân quan trọng khác là lãi suất vay tiêu dùng cao thì việc cho vay dễ dãi, biện pháp thu hồi nợ mạnh vẫn có hiệu quả nên các công ty cho vay tiêu dùng vẫn đẩy mạnh giải ngân. Đây là vấn đề thực sự không hợp lý.

Thực tế, theo luật sư Đức, nợ xấu cho vay tiêu dùng cũng từng là vấn đề rắc rối ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, tại các nước văn minh, luôn có quy định nguyên tắc đòi nợ là: Không được dùng biện pháp bất hợp pháp, xâm phạm nhân phẩm, sức khỏe; không đòi nợ vào ngày lễ, Tết; không được gọi điện đòi nợ sau thời gian quy định… "Với các nước như Việt Nam, để phù hợp với trình độ phát triển, cần bổ sung các quy định cụ thể về đòi nợ. Ví dụ không được đòi nợ người thân gồm cha mẹ, con cái, anh em…" - ông Đức nêu ý kiến.

Thực tế gần đây, ngay cả các khoản nợ của ngân hàng thương mại chuyển sang các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng (AMC) đã áp dụng các biện pháp đòi nợ có đe dọa mang bóng dáng "xã hội đen". Nguyên nhân bởi các AMC không phải giữ hình ảnh, uy tín, không phải giữ quan hệ lâu dài với khách hàng nên chỉ cần duy nhất mục đích thu hồi nợ. Nếu khách hàng càng sợ, khả năng thu hồi nợ càng nhanh nên nhiều khi các AMC bất chấp để đạt được mục đích.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/khong-no-suot-ngay-van-bi-doi-a101703.html