Hơn 20 cửa hàng sai phép ở Hà Nội bị phá dỡ

Quận Cầu Giấy huy động máy múc phá dỡ công trình sai phép và lập hàng rào tôn để ngăn chặn các cơ sở này hoạt động trở lại.

 Nhiều nhà hàng lẩu nướng, cà phê đã phá dỡ phần mái tôn. Ảnh: Phương Sơn

Sáng 17/5, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã huy động lực lượng chức năng yêu cầu người dân tháo dỡ các công trình xây trái phép trên mương cống hóa Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa).

Các tổ công tác dùng loa tuyên truyền và huy động hai máy múc để lần lượt phá dỡ cửa hàng, trụ sở nằm trên mương cống hóa này. Một hàng rào tôn cao khoảng 3m cũng được dựng lên tại vỉa hè đường Nguyễn Khánh Toàn để vây kín khu vực.

Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho hay, dọc theo khu vực mương cống hóa Nguyễn Khánh Toàn có 23 cơ sở vi phạm, thuộc diện bị phá dỡ trong đợt này. "Phần lớn người dân đồng tình chấp hành nội dung cưỡng chế, những trường hợp cố tình vi phạm quận sẽ vây tường rào tôn", vị này nói.

 Nhiều nhà hàng cố tình không di chuyển đồ đạc, quận Cầu Giấy đã lập hàng rào cao khoảng 3 m trước cửa. Ảnh: Phương Sơn

Trong số hơn 20 công trình vi phạm nêu trên có nhiều nhà hàng, quán ăn, trung tâm thể hình, trụ sở ngân hàng,... đã hoạt động nhiều năm nay; nhiều cơ sở được xây dựng kiên cố 2 tầng với kết cấu bê tông cốt thép.

Sau khi lực lượng chức năng ra quân, trong buổi sáng, hơn chục công trình đã được chủ đầu tư chủ động tháo dỡ. Chiều cùng ngày, nhà chức trách vẫn túc trực tại khu vực đường Nguyễn Khánh Toàn để giám sát và đốc thúc chủ các cơ sở tiếp tục phá dỡ theo đúng tiến độ.

 Một số cửa hàng đã chuyển hết đồ đạc bên trong và thông báo đóng cửa, di chuyển địa điểm. Ảnh: Phương Sơn

Dự án cống hóa mương trên đường Nguyễn Khánh Toàn khánh thành gần chục năm nay. Ban đầu dự án được cấp phép xây dựng với phần lớn diện tích để làm bãi đỗ xe, phần còn lại làm công trình phụ trợ. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, trên mương cống hóa này mọc lên hàng loạt ngôi nhà kiên cố, cho thuê làm nhà hàng, văn phòng...gây bức xúc cho người dân địa phương.

Cuối năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã kết luận, theo quy định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, Hà Nội có trách nhiệm thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước (50 năm) đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phái sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/hon-20-cua-hang-sai-phep-o-ha-noi-bi-pha-do-a102051.html