Anh Vũ đang là nhân viên bán hàng của một cây xăng gần nhà, vợ là giáo viên của một trường mầm non tư nhân. Anh 35 tuổi, vợ kém 3 tuổi, đã có hai con gái 7 và 5 tuổi. Thu nhập hai vợ chồng hơn 10 triệu/tháng. Vợ chồng anh sống cùng với bố mẹ trong một ngôi nhà 3 tầng xây trên mảnh đất diện tích 25m2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vợ chồng anh vẫn ăn chung với ông bà để được hỗ trợ, mỗi tháng anh chị đóng góp ít tiền điện nước.
Tuy nhiên, từ ngày quyết định sinh con thêm con trai, vợ chồng anh phải nhờ bố mẹ hỗ trợ nốt tiền điện nước. Cô con gái thứ hai cũng phải nghỉ học mầm non, ở nhà bà trông để đỡ tốn tiền học mỗi tháng hơn một triệu đồng. Nửa năm đều đặn uống thuốc và canh trứng, kế hoạch có con trai vẫn chưa thành công nhưng anh vẫn không nản.
“Vợ tôi sợ nghỉ sinh sẽ mất việc, sợ không có tiền nuôi con nhưng nếu để mấy năm nữa, chúng tôi lớn tuổi, sinh đẻ sẽ khó khăn hơn. Tôi nghĩ, khéo ăn khéo tiêu, thế nào chả nuôi được, ông bà nội cũng hứa sẽ hỗ trợ tiền ăn", anh Vũ chia sẻ.
Không khó khăn về tài chính, nhưng vợ chồng chị Huyền (Đồng Nai) lại bất chấp tính mạng của mẹ để mang bầu đứa con thứ ba chỉ vì hai bé đầu là con gái. Cả hai lần sinh nở trước, chị Huyền đều phải mổ bắt con trong tình trạng cấp cứu. Bác sĩ đã khuyên anh chị không nên có thêm con vì sức khỏe chị không tốt, vết khâu cũ có nguy cơ bục nếu mang thai nữa. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn quyết tâm sinh thêm.
Hôm 9/4 vừa rồi, tại một bệnh viện phụ sản ở TP HCM, anh chị đón đứa con thứ ba trong nỗi buồn không thể buồn hơn vì lại là một bé gái. Ca mổ khó, tử cung chị bị vỡ trong khi sinh, sau đó các bác sĩ phải cắt bỏ.
Nhiều gia đình bất chấp khó khăn kinh tế hay sức khỏe để có con trai - Ảnh: Reader's Digest |
Từng nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, thạc sĩ Trần Đăng Thảo, giảng viên đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) cho biết ông thường xuyên gặp trường hợp gia đình xung đột do cố sinh con trai. Trong những ca này, đa số các ông chồng khao khát có mụn con nối dõi, trong khi các bà vợ không muốn vì mang bầu, sinh nở vất vả. Họ cũng canh cánh nỗi sợ "nhỡ lại ra con gái" rồi lo tài chính khó khăn không nuôi nổi con. Chồng muốn sinh thêm, vợ không muốn, dẫn đến bất đồng, cãi cọ, đau khổ, ly hôn.
"Tôi cũng từng gặp một người vợ chỉ sinh được con gái, phải giải quyết mâu thuẫn bằng cách chấp nhận cho chồng đi kiếm con trai bên ngoài", ông Thảo kể. Có những cặp vợ chồng quyết tâm có con trai đã sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của, công sức để làm những việc cầu may như đi lễ lạt, ăn kiêng...
Bác sĩ Bùi Chí Thương (Đại học Y dược TP HCM) hôm 8/5 vừa qua cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình một câu chuyện day dứt. Đêm trực hôm đó, bác sĩ Thương được báo có một ca thai ngoài tử cung đau bụng dữ dội, ông kêu chuyển lên phòng mổ. Nhìn hồ sơ thấy bệnh nhân được chuyển từ một tỉnh miền đông, có tiền sử mang thai 2 con tự nhiên, con nhỏ nhất sinh năm 2016, lần này thụ tinh ống nghiệm, ông đoán ngay ra họ cố kiếm con trai.
Khi nói chuyện với bác sĩ, nữ bệnh nhân bộc bạch: "Em cũng khổ lắm bác ơi, nhưng chồng em là con trưởng, phong tục ngoài ấy phải có con trai, nên phải ráng dù tốn gần 200 triệu rồi". Trong lúc chuyện trò, thỉnh thoảng chị nói ngắt quãng và lặng người, mặt tím tái, người co rúm vì đau bụng. Khi được hộ lý đẩy vào phòng mổ, sản phụ vẫn vớt vát: "Em đau quá bác ơi, mổ xong bác nhớ giới thiệu chỗ nào để em có con trai, tốn bao nhiêu em cũng chịu".
Hình ảnh ấy mãi cứ ám ảnh ông suốt đêm trực. "Tôi tự hỏi: Con trai có gene gì mà sao ưu ái thế? Nếu cứ thế này thì làm gì còn con gái để sau này mà đẻ con trai? Và tư tưởng trọng nam khinh nữ thế này sẽ tồn tại đến bao giờ?", bác sĩ viết.
Một bác sĩ từng là phó khoa hiếm muộn của một bệnh viện phụ sản tại TP HCM thừa nhận rất nhiều bệnh nhân đến khoa ông hỏi liệu có thể thụ tinh trong ống nghiệm để ra được con trai không.
"Dù có những cách tăng xác suất sinh con trai nhưng không thể đảm bảo chắc chắn được", ông nói. Ông cho rằng, với những gia đình toàn con gái, nhu cầu có một đứa con trai là chính đáng nhưng xét trên diện rộng của vùng miền, quốc gia và thế giới, sự can thiệp của con người sẽ làm mất cân bằng tự nhiên, vô cùng nguy hiểm. Vì thế, không chỉ pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi mà Tổ chức Y tế thế giới cũng không cho phép điều này xảy ra.
Nhận xét về khát khao có con trai bằng mọi giá của nhiều cặp vợ chồng, giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho rằng đó là kết quả của một nhu cầu văn hóa lạc hậu, những gia đình dù khó khăn về kinh tế hay sức khỏe vẫn cố có con trai chính là biểu hiện của cái dốt. Giáo sư phân tích, ở các quốc gia mà văn hóa phụ hệ chi phối mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam..., con trai là người kế thừa, người dân thường bằng mọi giá phải có con trai.
Theo ông, để giải quyết vấn đề này, không nhất thiết trong gia đình, con cái phải theo họ cha, có thể cho đứa trẻ theo họ của ông ngoại. Giáo sư dẫn chứng, nước Anh đã rất thành công trong việc này, nên mới có nữ hoàng. Sau đó, con của nữ hoàng lại mang họ ông ngoại để kế vị ngôi vua của dòng họ.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/vo-chong-song-mon-boi-khat-con-trai-a102099.html