Chi phí vận tải tăng vì phải “cõng phí” do nhiều trạm BOT

Theo một báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước vào cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh này có 3 tuyến QL gồm QL13, QL14 và QL14C chạy qua với tổng chiều dài hơn 236km.

Trong đó tuyến QL13 dù chỉ có chiều dài 79,6km, nhưng đã bị “chặt” nhỏ để 2 dự án BOT chen chân vào một quãng đường dài vẻn vẹn 58km trên đoạn cầu Tham Rớt - An Lộc và đoạn An Lộc - Lộc Tấn. Tiếp đến là tuyến QL14C với chiều dài hơn 114km do Tổng cục Đường bộ quản lý hiện cũng đã có 1 dự án BOT trên đoạn cầu 38 - Đồng Xoài với chiều dài 41,3km, đoạn còn lại được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến QL14C có chiều dài 43km được Bộ GTVT ủy thác cho Sở GTVT tỉnh Bình Phước khai thác từ tháng 7-2014 đến nay.

Về hệ thống đường tỉnh (ĐT), hiện Bình Phước có 14 tuyến với tổng chiều dài 496km, trong đó trên tuyến ĐT741 đã kịp có 2 dự án BOT chia nhau “lượm” phí trên đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài dài 23km và đoạn Đồng Xoài – Phước Long dài 45km.

Dù mới chỉ có tổng cộng 5 dự án BOT đang khai thác, nhưng do đường bị chặt nhỏ để dự án BOT chen chân vào “lượm” phí đã khiến giới vận tải hàng hóa, hành khách liên tục kêu ca, phản ánh về tình trạng phải oằn mình cõng phí khi đi qua địa bàn Bình Phước.

Theo một người dân ở huyện Lộc Ninh, để chạy từ địa bàn huyện lên trung tâm của tỉnh, người dân phải trả cước phí ngang với tiền đổ xăng cho xe ôtô. Cụ thể, với 58km đường BOT, phương tiện phải qua 3 trạm thu phí, mức thu thấp nhất đối với ôtô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới hai tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng phải trả 55.000 đồng.

Gánh nặng phí hàng ngày trên tuyến QL13 phải kể đến Công ty CP xi măng Hà Tiên - Bình Phước khi việc vận chuyển xi măng và clinke của DN này từ nhà máy về TP Hồ Chí Minh trên quãng đường khoảng 100km, phương tiện phải vượt qua 5 trạm thu phí BOT. Trong đó, chỉ riêng trên tuyến QL13 có 3 trạm. Với mức cước phí BOT áp dụng trên tuyến QL13 thời gian qua, để vận chuyển được một xe xi măng hoặc cilker đi và về trên tuyến, DN phải “cõng” thêm ít nhất là 900.000 đồng tiền phí qua các trạm BOT.

 Một dự án BOT được triển khai ở Bình Phước. 

Tuyến đường vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cũng vậy, quãng đường chỉ dài gần 100km và phương tiện chỉ có thể đi trên QL13 hoặc ĐT741 và ít nhất cũng phải qua 3 trạm thu phí BOT. Tuyến giao thông ĐT741 bắt đầu từ Bình Dương đến điểm cuối là thị xã Bình Long dài 120km hiện cũng đã kịp có đến 4 trạm thu phí, riêng địa bàn tỉnh Bình Phước là 3 trạm.

Phí nặng, các chủ đầu tư gia tăng doanh thu, trong khi chủ đầu tư lại không bị giám sát chặt chẽ tổng số tiền thu phí hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Chẳng hạn, với 32,3km đường trên tuyến QL13 ở đoạn cầu Tham Rớt - An Lộc; vốn đầu tư ban đầu chỉ vẻn vẹn 290 tỷ đồng, cộng cả các khoản duy tu, sửa chữa, nâng cấp đường sau này thì tổng vốn đầu tư cũng chỉ ở mức 500 tỷ đồng. Thế nhưng, chủ dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước đã được phê duyệt lắp đặt hai trạm thu phí với thời gian thu khoảng 25 năm.

Căn cứ trên số lượng xe hàng ngày, thì với chừng ấy thời gian, chủ đầu tư đã có thể thu về đến ngàn tỷ đồng. Đây là vấn đề được dư luận thời gian qua quan tâm và rất cần cơ quan quản lý làm sáng tỏ, tránh thất thoát tiền của Nhà nước và tác động không tốt tới sản xuất kinh doanh.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chi-phi-van-tai-tang-vi-phai-cong-phi-do-nhieu-tram-bot-a102264.html