Chiều 25/5, phóng viên VTC News tìm đến nhà của ông Trương Xuân Thức – người lái tàu cách đây 8 năm đã dũng cảm đánh lái bất chấp tính mạng bản thân nhằm giảm hậu quả khi qua "cửa tử" Phủ Lý - Hà Nam. Hành động dũng cảm đó đã cứu hơn 300 hành khách nhưng bản thân ông Thức đã mãi mãi mất đi một cánh tay, nhận trợ cấp thương tật ở tuổi 48.
Ở khu tập thể G4 Thành Công, không ai là không biết ông Thức.
Tiếp phóng viên trong căn phòng nhỏ, người lái tàu dũng cảm khi xưa cho biết ông vừa đi viện về vì vết thương cũ tái phát, mỗi khi trái gió trở trời lại đau thắt. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Thức liên tục đưa bàn tay lành lặn xoa bóp phần cánh tay bị cụt vì đau.
Ở cái tuổi 56, trong khi nhiều người đàn ông khác vẫn có thể lăn lộn với cuộc sống, là trụ cột gia đình thì ông Thức chỉ có thể ở nhà bởi sức khỏe ông đã giảm sút rất nhiều kể từ sau vụ tai nạn kinh hoàng hồi tháng 8/2010 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
"Sức khỏe tôi giảm sút nhiều lắm, chỗ bị cụt này lúc nào cũng đau nhức, giật giật như có kim đâm vào vậy", ông Thức bắt đầu câu chuyện của mình bằng nỗi đau thể xác.
Dù 8 năm trôi qua, ông Trương Xuân Thức vẫn chưa thể hết ám ảnh từ vụ tai nạn. |
Ông Thức kể mình bắt đầu bén duyên với nghiệp lái tàu hồi mới rời quân ngũ. Lúc đó, ông không có việc làm, nhà lại nghèo khó nên khi được người cậu làm bên Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đánh tiếng giới thiệu thì ông lập tức nhận lời.
Xuất phát điểm, ông Thức chỉ là người xúc than (đánh lửa) đổ vào đầu máy kéo chạy bằng hơi nước. Ông kể: "Công việc này vất vả lắm, khi tôi học xong nghiệp vụ thì được điều động xuống Mạo Khê (Quảng Ninh) để đổ than cho đầu máy tiêu chuẩn. Có ngày, chúng tôi xúc cả chục tấn than cho quãng hành trình từ Mạo Khê đi Kép. Nếu than tốt thì hết mấy tấn thôi, nhưng than xấu có khi phải đổ nhiều hơn chục tấn".
Công việc vất vả, ông Thức khi đó lại không có sức khỏe nên định bỏ giữa chừng. "Vất vả quá, tôi gặp cậu mình rồi nói: 'Người cháu nhỏ thế này, không làm được, thôi cháu bỏ nghề'. Cậu lúc đó khuyên ngăn tôi, hứa lúc nào có đầu máy chạy diesel thì gọi về cho đi học", ông Thức kể.
Đúng như lời hứa, ông Thức sau đó được về học lái đầu máy diesel. Lúc đó là đầu máy TU của Nga, sau đó ông Thức chuyển qua học lái đầu máy của Tiệp, rồi lại học đầu máy Đổi mới. "Từ năm 1996 tôi đã là lái chính, nhưng số phận trớ trêu quá! Khi tôi học chuyển tiếp qua đầu máy Đổi mới (bắt đầu từ 2002 - PV) được vài năm thì gặp tai nạn mất đi một phần cơ thể", ông Thức đau xót.
Ông Thức nói sẽ chẳng bao giờ quên được cái ngày mà ông bị mất đi cánh tay. Bởi sau đó, cuộc sống của ông gần như đảo lộn: "Mình đang lành lặn, mất đi cánh tay thì buồn bã lắm. Tôi như một đứa trẻ phải học lại mọi thứ từ đầu với chỉ với cánh tay còn lại. Nhưng biết sao được khi số phận bắt mình phải như vậy. Giờ đau đớn thì kêu ca ai?"
Khi phóng viên hỏi tới vụ tại nạn đường sắt nghiêm trọng mới đây tại Thanh Hóa khiến hai nhân viên lái tàu chết, ông Thức gần như bật khóc. Ông nói, mấy ngày nay ông thường xuyên theo dõi tin tức về vụ tai nạn này.
"Ngay sau khi biết tai nạn, tôi đã lập tức gọi điện hỏi han xem người gặp nạn là ai. Mãi sau mới biết một trong hai người mất là Hùng (Nguyễn Thế Hùng - PV). Đợt còn đi làm, tôi biết Hùng nhưng anh em không chơi thân với nhau vì khác đội lái máy. Tuy nhiên, là ai cũng vậy, khi nghe tin đồng đội của mình bị nạn mất thì đau xót lắm. Thế rồi, tôi tự nghĩ lại số mình vẫn còn may lắm".
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Thanh Hóa khi tàu SE19 đâm phải xe ben hôm 24/5. |
Theo ông Thức, nghề lái tàu cực kỳ vất vả, đi đêm về hôm. Bản thân ông khi chưa gặp nạn cũng rất ít thời gian dành cho gia đình. Những áp lực của nghề cũng cực kỳ lớn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
"Từ khi bắt đầu lái tàu tới khi không thể tiếp tục, tôi chứng kiến quá nhiều những vụ tai nạn đường sắt. Nhiều người quen tới mức chai sạn nhưng tính tôi vốn dát nên khi chứng kiến cảm thấy sợ lắm. Khi lái tôi luôn cố gắng hết sức để giảm thiểu tai nạn, nhiều lúc gặp vật cản tôi hú còi rồi nháy đèn liên tục để họ tránh ra. Nếu không được thì buộc phải tìm cách hãm lại sao cho hậu quả là ít nhất", ông Thức chia sẻ.
"Nhưng cuộc đời vốn không ai nói trước được điều gì. Ngay cả những người kinh nghiệm nhất cũng không thể nói khôn là mình đi chuyến tàu nọ chuyến tàu kia sẽ an toàn được. Những người lái tàu như chúng tôi thường nói là khi về tới ga Hà Nội vào đến kho lấy dầu xong mới thở phào biết là mình an toàn, thật sự là như vậy. Ai bước chân ra đi cũng đều muốn mình trở về an toàn cả".
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ky-uc-kinh-hoang-cua-lai-tau-chap-nhan-mat-mot-phan-co-the-cuu-300-hanh-khach-a102964.html