Là người quan tâm và theo dõi sự việc em vợ BTV Minh Tiệp tố anh rể bạo hành trong nhiều năm ngay từ đầu, chị nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về tâm lý - xã hội?
Tôi không trực tiếp được nói chuyện với bất kỳ bên liên quan nào khi câu chuyện xảy ra. Nhưng qua một vài người quen biết em Thuỳ D. và gia đình của em thì tôi nghĩ câu chuyện thực tế không phức tạp như câu chuyện lan truyền trên mạng mấy hôm nay. Câu chuyện trên mạng có một số tình tiết không chính xác hoặc bị cường điệu quá mức khiến mọi người sôi sục giận dữ. Tôi lo ngại sự việc có thể bị đẩy đi xa hơn bản chất của nó khiến cho những người liên quan sẽ chịu thiệt thòi, kể cả bé Thuỳ D.
Hiện nay gia đình đang cố gắng giải quyết theo hướng tích cực hơn. Chúng ta hãy bình tĩnh, không nên quá nóng giận và can thiệp không phù hợp khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn.
Câu chuyện liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của nhiều người trong một gia đình. Nếu chúng ta quá nóng vội tạo áp lực có thể khiến tất cả mọi người, kể cả Thuỳ D. sẽ bị tổn thương, thậm chí ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài và tương lai của họ.
TS Khuất Thu Hồng. |
Bản thân chị, với tư cách một người đứng đầu một Viện nghiên cứu, có chức năng lên tiếng bảo vệ nạn nhân trước các vụ bạo hành. Lúc đầu, chị có ý định theo dõi câu chuyện và sẵn sàng có động thái giúp đỡ Thuỳ D. khi phát hiện cô bé có gì đó bất ổn không?
Tôi quan tâm đến câu chuyện từ đầu. Có nhiều người cũng inbox (nhắn tin) và trao đổi với tôi nên làm thế nào. Và tôi sẽ lên tiếng nếu Thuỳ D. Có dấu hiệu bị bạo hành như cách mà mạng xã hội đưa tin. Chắc chắn tôi sẽ không để yên. Tuy nhiên, trước đó tôi phải tìm hiểu rõ sự việc để có thể giúp đỡ em một cách phù hợp. Mấy hôm nay dù rất sốt ruột nhưng tôi không lên tiếng vì chưa rõ câu chuyện.
Tôi cố gắng tìm hiểu câu chuyện từ những người biết rõ Thuỳ D. và gia đình của em. Tôi thấy sự thực không giống như mạng xã hội đưa tin. Vì vậy tôi càng lo lắng. Tôi rất lo ngại mọi người trong gia đình và Thuỳ D. không chịu nổi áp lực xã hội có thể có hành động đáng tiếc. Khi đó chúng ta sẽ rất hối hận.
Tôi hiểu rõ sức mạnh và khả năng huỷ diệt của mạng xã hội. Đây là câu chuyện của cả một gia đình, thậm chí hai gia đình. Vụ việc này nếu không được giải quyết tốt có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hai gia đình và để lại sự ân hận không bao giờ nguôi của từng người trong cuộc. Nếu mạng xã hội góp phần đẩy câu chuyện đến mức đó thì mỗi thành viên của nó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước lương tâm của mình.
Với tư cách là một người mẹ, người phụ nữ... chị có nghĩ Thùy D. bị bạo hành như cô bé nói hoặc có những gì đó bất ổn về mặt tâm lý?
Thuỳ D. đang ở độ tuổi “khó khăn” khi tâm sinh lý đang ở giai đoạn giữa trẻ con và người lớn. Các bạn ở độ tuổi này có thể rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, chưa đủ kinh nghiệm và sự bình tâm để xử lý các tình huống trái với mong đợi của mình.
Nếu người lớn trong gia đình không hiểu về sự thay đổi tâm sinh lý này thì dễ dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Người lớn có thể thiếu kiên nhẫn để giải thích, khuyên bảo. Em bé thì muốn tự khẳng định mình đã lớn, muốn tự quyết định mọi thứ... Hai bên không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh thì có thể va chạm.
Tôi chưa được trực tiếp nói chuyện với Thuỳ D. nhưng tôi nghĩ có thể em có những khó khăn mà muốn tự giải quyết nhưng chưa làm được. Em lại không muốn chia sẻ nên gia đình không hiểu. Tóm lại hai bên không hiểu nhau, mâu thuẫn và hiểu lầm xảy ra đi kèm vài hành động bạo lực. Sự việc lại càng trở nên trầm trọng hơn từ đó.
Qua câu chuyện này, chị có lời khuyên nào cho phía gia đình, bản thân Thuỳ D. và những người theo dõi câu chuyện?
Tôi nghĩ là mình không có tư cách để khuyên ai cả vì tôi không thực sự hiểu rõ hoàn cảnh và suy nghĩ của mọi người. Tôi chỉ nghĩ rằng, gia đình là điều quý nhất của mỗi người, hãy trân trọng và gìn giữ mối quan hệ với những người trong gia đình. Tiền bạc mất có thể kiếm lại được nhưng mất gia đình là mất đi gốc rễ của mình, mất đi chỗ dựa, mất đi tình yêu... và không bao giờ lấy lại được nữa. Vì gia đình vô giá như vậy nên mỗi người phải trân quý nó, đồng thời trân quý gia đình của người khác. Mạng xã hội giúp mọi người biết trân quý gia đình nhưng cũng có thể vô tình làm tan vỡ gia đình ai đó. Vì vậy bình tĩnh, thận trọng và kiềm chế khi bình luận là điều chúng ta phải học để trở thành công dân mạng văn minh.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chuyen-gia-noi-gi-truoc-vu-em-vo-btv-minh-tiep-to-bi-bao-hanh-a103154.html