Mở đợt cao điểm triệt xóa các ổ nhóm cho vay nặng lãi

Công an nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mở đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt xóa các băng nhóm cho vay “tín dụng đen” diễn ra trên địa bàn.

Trong đợt cao điểm ra quân từ ngày 26-4 đến nay, Công an các quận, huyện và Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra, bóc gỡ hàng loạt nhóm đối tượng phát tờ rơi cho vay tiền và hoạt động cho vay tiền với lãi suất từ 20 đến 30% trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Qua điều tra, các nhóm đối tượng này khai nhận từ các tỉnh khu vực phía Bắc đến Cần Thơ tổ chức hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao như: nhóm của Lê Mạnh Vĩ (26 tuổi, ngụ TP Hà Nội); nhóm của Trịnh Bùi Nhân (18 tuổi, trú xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), nhóm Lê Minh Phụng (26 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang)...

Công an Cần Thơ đã thu giữ nhiều sổ sách, tang vật liên quan đến hoạt động cho vay tiền và hàng chục hàng danh thiếp, tờ rơi quảng cáo để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Hưởng ứng đợt cao điểm, sáng 16-5, Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) đã phối hợp quận Đoàn tổ chức ra quân thu gom tờ rơi, tẩy xóa quảng cáo cho vay tiền trên địa bàn. Hơn 300 đoàn viên Công an quận Cái Răng, Công an các phường và sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô tham gia hoạt động này.

Các đoàn viên chia thành 9 nhóm tỏa đi các khu vực chợ, tuyến đường chính, khu dân cư, hẻm, ngã ba, ngã tư thu gom tờ rơi, mẩu quảng cáo dán trên các cột điện, tường rào với nội dung: Cho vay trả góp, không cần thế chấp, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, số điện thoại liên hệ…

Trong buổi sáng, các đoàn viên Công an và sinh viên thu gom, tẩy xóa, tháo gỡ hơn 500 tờ rơi, mẫu dán quảng cáo mang nội dung trên. Công an quận Cái Răng cho biết, lần ra quân này nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, phòng ngừa nạn cho vay nặng lãi và góp phần đem lại cảnh quan môi trường, đô thị sạch đẹp. Đồng thời, tiếp tục mời việc đối với những người có dấu hiệu cho vay nặng lãi hoặc phát tờ rơi, dán quảng cáo với nội dung trên.

 Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) ra quân tẩy xóa quảng cáo cho vay tiền trên địa bàn.

Tại Đồng Tháp, Công an đã kiểm tra, lập biên bản hàng loạt trường hợp phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền xảy ra trên địa bàn. Ngày 15-5, Công an phường 2 (TP Cao Lãnh) phát hiện, lập biên bản đối với Hà Tiến Đạt (ngụ quận Ba Đình, TP Hà Nội) và Lê Duy Anh (ngụ Thanh Hóa) về hành vi phát quảng cáo không đúng quy định. Hai đối tượng thừa nhận được một người khác tại Vĩnh Long thuê phát các tờ rơi có nội dung cho vay trả góp tại khu vực công cộng trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Công an TP Sa Đéc vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự kiểm tra, bóc gỡ nhóm Nguyễn Văn Thư (25 tuổi, ngụ tỉnh Tuyên Quang) và Vũ Ngọc Dung (33 tuổi) từ Tuyên Quang đến Sa Đéc thuê nhà để hoạt động cho vay. Cả hai khai nhận quá trình hoạt động đã rủ thêm Nguyễn Duy Hoàng (26 tuổi), Trần Ngọc Nam (19 tuổi), Lê Văn Duy (38 tuổi), Trần Minh Hùng (36 tuổi) và Vũ Xuân Tùng (34 tuổi, cùng ngụ Hà Nội) từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sa Đéc tạm trú và tổ chức cho vay.

Lực lượng đã kiểm tra sổ sách, phát hiện các đối tượng này tổ chức cho vay tiền tại nhiều khu vực tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Tiền Giang và Vĩnh Long. Công an TP Sa Đéc làm rõ hành vi hoạt động cho vay tiền tại cửa hàng điện thoại và dịch vụ cầm đồ tại phường 1. Chủ cửa hàng thừa nhận đã thuê 2 người phụ việc mua bán và quản lý hoạt động cho vay…

Tại Trà Vinh, Công an các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, xác minh, mời 4 nhóm với 17 đối tượng đến giáo dục, cho cam kết chấm dứt các hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn. Từ tháng 3-2018 đến nay, Công an huyện Cầu Ngang đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp với 7 đối tượng có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh Đồng Nai và Ninh Bình về hành vi phát tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp làm ảnh hưởng đến mỹ quan và TTATGT, với số tiền từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, việc quản lý chặt địa bàn và khẩn trương vào cuộc của lực lượng Công an các địa phương, các nhóm đối tượng này đã cam kết chấm dứt hoạt động cho vay nặng lãi. Các vụ việc liên quan được nhân dân phản ánh và cung cấp thông tin đều được lực lượng Công an tiếp thu, điều tra và làm rõ.

Tuy nhiên, mới đây theo phản ánh của một số người dân, có trường hợp các đối tượng cung cấp thẻ tín dụng có sẵn tiền trong tài khoản từ 10 đến 30 triệu đồng và thu phí của người ký hợp đồng sử dụng một cách không rõ ràng. Hầu hết, số người ký hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng đều là khách mua hàng trả góp tại các cửa hàng điện máy, điện thoại di động trên địa bàn TP Trà Vinh. Anh La Quốc Dũng (ngụ phường 6, TP Trà Vinh) mua một chiếc điện thoại di động với hình thức trả góp hàng tháng cách đây 2 năm.

Sau đó khoảng một năm, anh nhận được điện thoại tư vấn cho vay và sử dụng thẻ tín dụng với lời mời chào hấp dẫn của một người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Tin rằng sử dụng thẻ không tốn bất kỳ phí nào lại thuận tiện trong việc mua hàng nên anh Dũng đồng ý nhận thẻ tín dụng trị giá 11,7 triệu đồng được nhân viên ngân hàng mang đến tận nhà. Vài tháng sau, anh nhận được điện thoại yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng, tối thiểu 42.000 đ/tháng.

Tuy số phí này không được nhân viên tư vấn ngay từ đầu và số tiền không lớn nên anh chấp nhận đóng phí được 8 tháng thì số phí lại nâng lên là 58.000 đ/tháng và yêu cầu đóng lãi số tiền 500.000 đồng đã rút trong thẻ trong khi anh chưa sử dụng thẻ lần nào. Thấy quá vô lý, anh Dũng đã trình báo sự việc với Công an địa phương.

Tương tự như trường hợp anh Dũng, anh Phan Thanh Ngoan (ngụ khóm 8, phường 6, TP. Trà Vinh) thường xuyên mua đồ ở các cửa hàng điện máy để phục vụ cho việc buôn bán của gia đình và thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Chỉ có một lần anh Ngoan mua trả góp chiếc điện thoại di động và sau đó ít lâu, anh cũng nhận được điện thoại tư vấn cho vay và cung cấp thẻ tín dụng. Vì sự tiện dụng theo lời của nhân viên tư vấn, anh chấp nhận sử dụng dịch vụ và chiếc thẻ tín dụng trị giá 19,8 triệu đồng cũng được nhân viên trực tiếp mang giao đến tận nhà.

Điều đáng nói là sau khi sử dụng thẻ thì nhiều phí được nhân lên, buộc người sử dụng phải đóng. Còn hầu hết người ký hợp đồng sử dụng thẻ không biết rõ mình ký với đơn vị nào, không biết rõ các điều khoản trong hợp đồng mà chỉ nghe theo lời tư vấn.

Trường hợp của anh Diệp Đức (ở khóm 7, phường 6, TP Trà Vinh) thì may mắn hơn, nhờ cảnh giác với những lời tư vấn ngọt ngào của số người tự xưng là nhân viên ngân hàng mà anh tránh được những phiền toái không đáng có.

Anh Đức cho biết: “Sau khi trả góp điện thoại được hơn một năm thì có nhiều cuộc điện thoại gọi tới, hết người nam rồi tới người nữ để thuyết phục mình vay tiền nhưng mình không đồng ý. Cuối cùng họ nài nỉ nói đem thẻ tín dụng có hai mươi mấy triệu tới nhà mình. Lúc đó tôi nói để tôi tính lại, một mặt tính lại, một mặt tôi cũng trình báo với địa phương cho rõ ràng để địa phương nắm rồi có gì can thiệp dễ hơn, nói chung là phải cảnh giác”.

Hiện Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tiếp tục tăng cường công tác bám địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nhóm, đối tượng hoạt động cho vay theo hình thức tín dụng đen.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/mo-dot-cao-diem-triet-xoa-cac-o-nhom-cho-vay-nang-lai-a103158.html