An toàn đường sắt: Đã ở mức báo động đỏ!

Liên tiếp trong 3 ngày (24-27/5) có đến 4 vụ TNGT liên quan đến đường sắt. Tàu khách SE19 đâm vào xe tải khi qua đường ngang ở Thanh Hóa, tàu hàng đâm nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu trật bánh ở ga Yên Xuân (Nghệ An)...

Nếu tính từ đầu năm, còn có một sự cố chủ quan nghiêm trọng: Đoàn tàu khách SE25 đối đầu với một đoàn tàu hàng ASY2, chỉ kịp dừng lại khi cách nhau 10m tại khu gian Dầu Giây - Trảng Bom (Đồng Nai). Nếu điều độ chạy tàu không kịp thời liên hệ với lái tàu qua điện thoại di động thì nhiều khả năng sẽ xảy ra một vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Trước đó ngày 14/7/2017, hai tàu hỏa SE1 và SQN2 suýt tông nhau trực diện tại ga Suối Vận (Bình Thuận).

Nguyên nhân chủ quan

 Vụ tai nạn đường ngang tại Thanh Hóa, phải được phân tích sâu về công tác kiểm tra của cả công ty, Tổng công ty để xử lý điển hình, làm gương.

Ba trong bốn vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra vừa qua đều do lỗi chủ quan của chính nhân viên đường sắt gây ra đã gióng lên hồi chuông báo động. Đến giờ, việc nhân viên đường ngang tại Km234+050, mở biển phòng vệ đường sắt, nhưng không đóng chắn đường ngang tại nơi giao cắt có mật độ phương tiện đường bộ cao cho thấy ý thức chấp hành quy trình quy phạm rất kém.

Còn đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số 2 ga Núi Thành, Quảng Nam thì va chạm với đoàn dồn khiến 2 đầu máy và 5 toa xe hàng bị trật bánh lại báo động về công tác an toàn chạy tàu của đường sắt. Rất hiếm khi cả trực ban chạy tàu, gác ghi, móc nối và lái máy cùng lúc lại để ra sai phạm, để máy dồn nằm ngoài mốc tránh va chạm, khiến bị đâm chính diện như thế.

Ngay sau đó, việc tàu hàng 2486 kéo 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An với tốc độ chỉ 15 km/h bị trật bánh 2 toa xe cũng là điều hiếm khi xảy ra. Bất luận là nguyên nhân do sự cố giá chuyển hay chất lượng cầu đường thì đây cũng là lỗi thuộc đường sắt, thuộc vào sự cố hiếm khi xảy ra vì tốc độ chạy tàu thấp.

Boăn khoăn

 Vụ tàu hàng 2486 kéo 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An với tốc độ chỉ 15 km/h bị trật bánh 2 toa xe cũng là điều hiếm khi xảy ra.

Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc vào rạng sáng ngày 24/5 vừa qua tại Thanh Hóa khiến 2 người chết, 8 người bị thương đã được công an Thanh Hóa khởi tố, tạm giam 2 nhân viên đường ngang. Tuy nhiên, điều người ta boăn khoăn là tại sao gần đây, những lỗi chủ quan gây tai nạn đường sắt với những mức độ nghiêm trọng như vậy lại xảy ra liên tiếp, xu hướng ngày càng nhiều?

Về mô hình tổ chức, đường sắt giải thế 3 phân ban An toàn đường sắt tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, gộp ban An ninh- Quốc phòng và ban An toàn GTĐS khiến cho lực lượng cán bộ làm công tác này mỏng đi rất nhiều. Chưa kể, có nhiều cán bộ làm công tác này chưa từng kinh qua hiện trường, khiến công tác tham mưu cho lãnh đạo Tổng công ty vừa thiếu, vừa yếu. Chỉ cần tính sơ những thiệt hại của đường sắt mấy vụ vừa qua đã lớn hơn rất nhiều so với chi phí cho khoảng 20 cán bộ chuyên trách công tác này vừa bị giải tán.

Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, phân tích và kỷ luật các vụ vi phạm về công tác an toàn chạy tàu làm chưa nghiêm. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ nhăm nhăm xử lý người lao động trực tiếp, các lãnh đạo đơn vị để xảy ra tai nạn phần lớn chỉ “rút kinh nghiệm”. Đơn cử như hai vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Suối Vận (Bình Thuận) và Dầu Giây (Đồng Nai) mà chỉ xử lý cán bộ liên quan như vậy sẽ khiến “nhờn thuốc”. Về vụ tai nạn đường ngang tại Thanh Hóa, cần phải được phân tích sâu về công tác kiểm tra của cả công ty, Tổng công ty để xử lý điển hình, làm gương cho cán bộ lãnh đạo.

Việc các chi nhánh khai thác vận tải trực thuộc Tổng công ty, công tác an toàn hầu như phó mặc cho chi nhánh cũng được coi là nguyên nhân để xảy ra nhiều tai nạn, nhất là các đơn vị phía Nam. Việc mô hình đường sắt mới chậm được phê duyệt, cán bộ, người lao động “nhấp nhổm” cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý những người làm công tác chạy tàu.

Chắc chắn trước mắt bản thân đường sắt cũng chưa thể có ngay kinh phí lớn để nâng cấp trang thiết bị, đầu máy, toa xe thì công tác đảm bảo an toàn chạy tàu phụ thuộc rất lớn vào con người. Rất cần Tổng công ty ĐSVN dũng cảm nhìn nhận, đánh giá lại chính công tác tham mưu, kiểm tra, phân tích, xử lý các vụ tai nạn một cách nghiêm túc, khách quan. Những gì đã và đang xảy ra đối với công tác an toàn giao thông đường sắt đã đến mức báo động đỏ rồi!

Link nội dung: https://haiphong24h.org/an-toan-duong-sat-da-o-muc-bao-dong-do-a103195.html