Chuyện xót xa phía sau buồng lấy mẫu tinh trùng

Để xin được tinh trùng trong ngân hàng dự trữ, người phụ nữ phải đưa em trai đến thực hiện đổi mẫu. Đằng sau đó là câu chuyện hôn nhân đầy buồn tủi của chị.

Gần 8 giờ sáng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã tấp nập người ra vào khám bệnh.

Những người đến đây tìm cho mình cơ hội được làm mẹ, sau nhiều năm tháng thiếu vắng tiếng cười con trẻ.

Chị Ngô Thị Yến (SN 1976) Điều dưỡng trưởng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), tâm sự: “Nhiều năm gắn bó với công việc hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tôi đã gặp không ít những hoàn cảnh đặc biệt".

Nữ điều dưỡng cho hay độ tuổi tìm đến trung tâm khám và điều trị vô sinh trung bình từ 22 đến 50 tuổi, cũng có trường hợp ngoài tuổi 50.

 Điều dưỡng trưởng Ngô Thị Yến có nhiều năm hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn cho các cặp vợ chồng.

Để có đứa con, nhiều cặp đôi còn phải xin tinh trùng trong ngân hàng dự trữ.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, lượng dự trữ tinh trùng ở ngân hàng rất khan hiếm. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý e dè nên ít người đến hiến.

“Khi thực hiện hỗ trợ sinh sản cho cặp vợ chồng cần tinh trùng, chúng tôi buộc phải thực hiện nguyên tắc đổi mẫu.

Theo đó, cặp đôi nào muốn xin một mẫu tinh trùng trong ngân hàng, họ phải đưa người nhà hoặc bạn bè đến hiến tinh trùng”.

Vẫn theo lời chị Yến, những người hiến trên tinh thần tự nguyện, không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào. Độ tuổi hiến theo quy định là từ 22 đến 55 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe, tâm thần.

Người hiến sẽ được kiểm tra, sàng lọc các loại bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV… và đánh giá chất lượng tinh trùng.

Sau khi xét nghiệm đầy đủ không có các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bất thường nhiễm sắc thể, người hiến sẽ được lấy 3 mẫu tinh trùng cách nhau tối thiểu 3 ngày. 3 tháng sau, họ quay lại để làm xét nghiệm HIV nếu kết quả âm tính thì khi đó các mẫu tinh trùng mới đủ điều kiện sử dụng.

Toàn bộ công việc hiến và sử dụng tinh trùng sau khi hiến sẽ đảm bảo nguyên tắc vô danh.

Nữ điều dưỡng lý giải: “Vô danh ở đây là đơn vị thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng mẫu tinh trùng hiến phải đảm bảo người cho và người nhận không biết thông tin về nhau. Đặc biệt, mẫu sẽ thực hiện chọn ngẫu nhiên.

Người hiến không có nghĩa vụ, quyền lợi gì đối với gia đình đứa bé sinh ra từ tinh trùng mình đã cho”.

TS.BS Hồ Sĩ Hùng - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cho biết, theo một số đề tài nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là gần 8%.

Trong đó, vô sinh nam chiếm tới 35%, bao gồm việc ít tinh trùng, tinh trùng dị dạng hoặc không có tinh trùng.

 TS.BS Hồ Sỹ Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Ông thừa nhận từ đầu năm đến nay trung tâm mới ghi nhận được khoảng 30 trường hợp đến hiến. Loại trừ nhiều yếu tố như không đủ tuổi, quá tuổi, chất lượng tinh trùng không tốt, mắc bệnh… nên con số thực sự có thể tiếp nhận tinh trùng rất khiêm tốn.

Trung bình có tháng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia chỉ nhận được 2 -3 người hiến.

“Đây là tình trạng chung của tất cả các bệnh viện có ngân hàng dự trữ, không riêng gì Trung tâm tôi”, TS Hùng nói.

Tiếp lời TS Hùng, điều dưỡng trưởng Ngô Thị Yến chia sẻ thêm, trong quá trình công tác, chị từng chứng kiến những câu chuyện đầy day dứt phía sau buồng lấy mẫu tinh trùng.

Chị kể, cách đây 2 năm, trung tâm chị tiếp nhận một trường hợp đến xin tinh trùng, thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF). Người phụ nữ đó kết hôn 10 năm nhưng vẫn chưa có con.

“Người vợ chia sẻ, nhiều năm hiếm muộn nhưng chồng nhất định không đi khám tìm nguyên nhân.

Mẹ chồng cho rằng chị không biết đẻ nên tình cảm với con dâu không được mặn mà. Giữa hai người nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Bà khuyên con trai sớm ly hôn, tìm người phụ nữ khác sinh con cho mình.

Chồng chị nghe mẹ, đối xử với vợ tệ bạc. Anh qua lại với nhiều người phụ nữ khác. Người vợ âm thầm chịu đựng cho đến khi chồng mang người tình bụng bầu vượt mặt về nhà thì chị quyết định ly hôn”, nữ điều dưỡng nhớ lại.

Trước khi ra tòa, chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia kiểm tra và đề nghị xin tinh trùng làm thụ tinh nhân tạo. Chị Yến cũng thông báo cho người phụ nữ quy định việc đổi mẫu. Để xin được tinh trùng đang trữ trong ngân hàng, chị đã đưa em trai ruột của mình đến đổi.

Do chưa có quyết định của tòa án nên trung tâm yêu cầu chị phải được chồng xác nhận đồng ý.

Người chồng ban đầu không chấp nhận nhưng sau chị dùng tình nghĩa phu thê hơn 10 năm để thuyết phục, anh ta đã đồng ý.

“Trường hợp nào đến đây xin tinh trùng, tôi đều lắng nghe câu chuyện của họ, từ đó có cách tư vấn phù hợp. Nghe chị vợ tâm sự, tôi thấy khá day dứt, xót xa nên quyết tâm hàn gắn cho họ”.

Điều dưỡng Yến đã dành một buổi sáng để thuyết phục, chị đề nghị người chồng thử kiểm tra sàng lọc, dùng tinh trùng của anh để làm thụ tinh cho vợ thay vì xin của người khác.

Sau hàng loạt các xét nghiệm thì kết quả cho thấy người chồng không có tinh trùng. Nhận được kết quả xét nghiệm, chị Yến mời họ đến trung tâm trao đổi.

Lúc này người vợ bật khóc, bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong lòng chị bỗng vỡ òa. Bởi lâu nay gia đình chồng luôn đay nghiến chị "sống thất đức nên không đẻ được". Chẳng ngờ chồng chị mới là nguyên nhân khiến hai vợ chồng không thể sinh con.

Người chồng nghe vậy thì bàng hoàng, anh xin phép đưa vợ về bàn bạc lại. Bẵng đi 2 tháng sau, hai vợ chồng đó quay lại tìm chị Yến, họ cho biết mình không ly hôn nữa và bày tỏ mong muốn xin tinh trùng trong ngân hàng.

“Làm ở đây, tôi chứng kiến biết bao chuyện đời buồn vì vậy tôi luôn mong hàn gắn lại những rạn nứt của họ bằng chính cái tâm của mình”, chị Yến nói.

Ngoài cặp vợ chồng kể trên, chị Yến cũng cho hay, mình từng tư vấn cho đôi vợ chồng người dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Người vợ luôn khao khát sinh con tuy nhiên người chồng cũng là trường hợp không có tinh trùng. Vì vậy khi nghe vợ đề nghị lấy tinh trùng của người khác, anh phản đối quyết liệt.

Người đàn ông đó tuyên bố chấp nhận không cần sinh con còn hơn là để vợ mang thai con người khác. Sau thời gian dài trò chuyện, nghe chị Yến phân tích về tính vô danh và những yếu tố tích cực trong việc xin tinh trùng, anh đã chấp thuận.

“Xét về góc độ nhân văn, việc hiến tinh trùng là việc tốt, giúp đỡ những gia đình hiếm muộn có cơ hội làm cha làm mẹ, tránh những tổn thương và hệ lụy liên quan đến hạnh phúc gia đình.

Theo nguyên tắc, ở đây chúng tôi làm hồ sơ theo dõi, mỗi người chỉ được phép hiến một lần duy nhất để tránh những ảnh hưởng sau này”, điều dưỡng Yến chia sẻ.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chuyen-xot-xa-phia-sau-buong-lay-mau-tinh-trung-a103391.html