Grab sắp đón một loạt đối thủ xe công nghệ tại thị trường Việt Nam

Go-Jek vừa tuyên bố đầu tư vào thị trường Việt Nam với số tiền hàng trăm triệu USD. Một ứng dụng thuần Việt là ABER cũng ra mắt chính thức trong tuần tới.

Sau khi Uber bán mình tại Đông Nam Á cho Grab, thị trường liên tiếp đón nhận thông tin có thêm những hãng xe công nghệ mới. Tại Việt Nam, có thông tin Didi Chuxing, hãng gọi xe hàng đầu của Trung Quốc, đang chuẩn bị rót vốn đầu tư.

Cùng với đó, một ứng dụng gọi xe lớn của Đông Nam Á là Go-Jek cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD để gia nhập bốn thị trường mới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

 Go-Jek sẽ đầu tư tại 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Theo thông tin từ Go-Jek, hãng sẽ “hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn” cho các nhóm vận hành tại mỗi nước. Những công ty vận hành địa phương sẽ tự “xác định bộ nhận diện thương hiệu” của mình. Giai đoạn đầu, Go-Jek sẽ đưa ra dịch vụ gọi xe qua ứng dụng, trước khi giới thiệu thêm các dịch vụ bổ sung khác.

Điều này có nghĩa tại Đông Nam Á, rất có thể tại mỗi thị trường lại có một nhãn hiệu phù hợp với từng nước, và Go-Jek đứng ở phía sau.

Về các ứng dụng Việt, sau khi T.net, VATO (thuộc Phương Trang) đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần mà Uber bỏ lại, một ứng dụng cũng vừa được công bố là ABER.

Theo nguồn tin của Zing.vn, ABER đã chạy thử nghiệm tại TP.HCM trong khoảng 2 tháng gần đây. Ứng dụng mới này sẽ ra mắt chính thức tại TP.HCM vào ngày 8/6 và tại Hà Nội 1 tuần sau đó.

ABER về cơ bản sẽ là một ứng dụng gọi xe công nghệ, trong đó có cả taxi và xe ôm công nghệ. Khi bắt đầu triển khai tại Hà Nội, ứng dụng này chỉ có xe 4 bánh.

Dự kiến từ 1/6, ABER sẽ ra mắt website chính thức và tuyển mộ tài xế tại TP.HCM, Hà Nội cùng một số tỉnh, thành khác. Mô hình tuyển mộ tài xế của ABER được gọi là cà phê ABER, xuất hiện ở hầu hết quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

 ABER đã chạy thử tại TP.HCM và ra mắt chính thức vào ngày 8/6. Ảnh: NL.

Cà phê ABER cũng có thể là nơi giao lưu và hỗ trợ nhau của các tài xế.

Đội ngũ phát triển là nhóm các bạn trẻ. Về tài chính, nhóm này được hỗ trợ bởi một số doanh nhân giấu tên trong lĩnh vực ngân hàng.

Khi được hỏi liệu thương hiệu ABER có phải nhái lại cái tên Uber đã quá quen thuộc, một đại diện của startup này cho biết ABER là viết tắt của cụm từ Am Besten Fahrer (tiếng Đức). Cụm từ này nghĩa là người lái xe tốt nhất, cũng có nghĩa là hoàn hảo, tuyệt vời nhất

Vị này cũng chia sẻ, ABER phát triển không nhằm mục đích cạnh tranh với bất kỳ ứng dụng nào. Nhóm sáng lập cũng không có ai là chủ, chỉ được phân công chức danh với nhau.

Đại diện này cũng thông tin ứng dụng hoàn toàn thuần Việt. Bản đồ dùng trong ứng dụng được tự xây dựng, không dùng nền tảng của Google, có tính năng mới như tài xế có thể chuyển tiền trong tài khoản cho nhau. ABER cũng hướng đến việc gọi xe tải, xe khách liên tỉnh, và đánh giá việc gọi xe tải qua ứng dụng là miếng bánh còn bỏ ngỏ và chưa có hãng nào để ý tới.

Theo thông tin từng hãng này, đã có khoảng 1.000 tài xế đăng ký trở thành đối tác.

Như vậy, nếu như cả Didi Chuxing, Go-Jek vào Việt Nam, cùng với một loạt các ứng dụng nội địa như T.net, VATO, ABER… thị trường taxi, xe ôm công nghệ Việt hứa hẹn sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Grab có thể mất đi vị thế độc quyền tưởng chừng có được sau khi mua lại Uber.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/grab-sap-don-mot-loat-doi-thu-xe-cong-nghe-tai-thi-truong-viet-nam-a103526.html