Thầy Nguyễn Cao Cường |
Trong giai đoạn nước rút này, theo Thầy Cao Cường, học sinh cần ôn lại những chuyên đề đã học như: Bài toán rút gọn và câu hỏi phụ; giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình; hàm số bậc nhất; hàm số bậc hai; Hệ thức Vi-et; Giải hệ phương trình; Hình học…
“Đọc chậm và ghi nhớ lại những lưu ý về cách trình bày mà Thầy Cô đã dạy kết hợp với đọc lại sách ôn tập, sách giáo khoa’- thầy Cường nhấn mạnh.
Thầy Cường cho rằng, trong mỗi ngày sắp đến ngày thi nên phân chia thời gian để có thể ôn tập được các môn Văn và Toán, môn chuyên, không nên dành thời gian quá nhiều cho một môn.
Thời gian tự học cần thực hiện như thời gian sẽ thi.
“Chẳng hạn, sáng học sinh nên tự ôn Văn từ 7h30-10h30, chiều ôn Toán từ 14h-16h30, đó chính là cách để cho bản thân phù hợp về nhịp sinh học cho ngày thi chính thức. Tối nên ôn tập và nghỉ ngơi sớm để giữ sức khỏe’- thầy Cường nói.
“Mẹo” làm bài trong phòng thi
Thầy Cao Cường cũng lưu ý, khi làm bài thí sinh cần đọc thật kỹ đề bài và ghi nhanh ra nháp những ý tưởng và chú ý của từng câu. Khi làm bài chọn câu dễ để làm trước nhưng thường đề thi đã thiết kế theo trình tự từ dễ đến khó nên có thể làm tuần tự cũng được. Gặp câu hỏi khó, tạm để đó và làm những câu dễ khác trước.
Ngoài ra, cũng theo thầy Cường, cần trình bày bài thật cẩn thận, không làm tắt, không viết tắt, cần có kết luận về kết quả của từng câu. Đối với bài hình học, cần kiểm tra kỹ xem hình vẽ đã chính xác với đề bài chưa, các câu hỏi cần lập luận chặt chẽ, có ghi lí do khi chứng minh, vẽ hình rõ ràng, đặc biệt là việc ghi tên các điểm trên hình.
Thầy Cường cho rằng, nên mang đồng hồ khi đi thi để phân chia thời gian cho các câu thật hợp lí, không nên tập trung thời gian quá 15 phút cho một câu.
“Nếu cảm thấy căng thẳng và hồi hộp quá, hãy tạm dừng làm bài khoảng 1 - 2 phút, thở đều và bình tĩnh lại, bắt đầu thật chậm lại các bài mà mình đang cảm thấy khó khăn. Khi còn 20 phút nữa là hết giờ làm bài, học sinh không nên làm những câu khó, câu cuối cùng của bài thi mà nên dùng thời gian còn lại kiểm tra kết quả những bài đã làm trên nháp một cách độc lập”- thầy Cường lưu ý.
Cũng theo thầy Cường, khi nghi ngờ một câu nào đó sai, tạm kẻ bằng bút chì và kiểm tra đối chiếu thật kỹ lại, khi chắc chắn phương án nào đúng mới gạch bỏ phần sai đi, tránh trường hợp vội vàng gạch bỏ mà đó lại là phần làm đúng.
“Cần ghi đầy đủ các thông tin trên tờ giấy thi, không được viết, vẽ, ghi kí hiệu bất thường trên bài thi. Những bài thi như vậy không có lợi cho thí sinh”- thầy Cường nhấn mạnh thêm.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/giao-vien-mach-nuoc-cach-hoc-thi-dat-diem-cao-mon-toan-lop-10-a103553.html