Các mặt hàng nước ngọt đang bị đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. |
Hôm qua, xôn xao trên các diễn đàn là thông tin tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT)... Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.
Điều này nếu được thông qua, chắc chắn từ năm sau, giá của các mặt hàng nước ngọt có sử dụng đường (trừ sữa) sẽ tăng thêm một mức khá cao. Nước ngọt là mặt hàng được sử dụng khá phổ biến và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của nhiều người.
Các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt bày tỏ sự lo lắng về việc tăng thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người nông dân sản xuất mía đường. Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN cho biết tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động...
Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân - những người cung cấp các nguyên liệu như: mía, trái cây, rau quả, trà...
Còn với người tiêu dùng, việc tăng thuế đặc biệt với nước ngọt được giải thích là vì “lo cho sức khỏe của người dân vì nước ngọt có đường” thực sự chưa hoàn toàn thuyết phục họ.
Việc sử dụng nước ngọt có đường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao lại được sử dụng như một lý do để tăng thuế nghe có gì đó hơi… không liên quan.
Việc tăng thuế mặt hàng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của người tiêu dùng, người sản xuất, và theo nhiều người nói đùa thì căn bệnh họ mắc trước tiên sẽ là bệnh “viêm màng túi”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nên lùi thời điểm thông qua dự luật này, bởi trong hoàn cảnh rất nhiều các thứ thuế, phí đang tăng, giá xăng cũng tăng mà lại áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt nữa, nhiều thành phần trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Việc sử dụng nước ngọt ra sao và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thế nào, nên yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất in khuyến cáo trên bao bì sản phẩm, chưa nên điều chỉnh bằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có người đưa ra bình luận: “Tăng thuế thì cứ tăng thuế, không nên viện lý do vì sức khỏe của người dân mà tăng thuế. Nếu Bộ Y tế nghiên cứu có hại cho sức khỏe thì tốt nhất là cấm sản xuất luôn chứ đừng lấy cớ vì lo cho sức khỏe của người dân mà tăng thuế với mặt hàng A hay B”.
Rất nhiều người đề nghị nên tăng thuế mạnh ở mặt hàng rượu, bia, thuốc lá vì những sản phẩm đó có ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến sức khỏe con người. Còn nếu nói tăng thuế nước ngọt vì “lo cho sức khỏe của người dân” thì thực sự chưa hợp lý. Nói thế chẳng khác nào bảo vì tình hình tai nạn giao thông nhiều, lo cho sự an toàn của người dân nên giá xăng tăng thêm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu mặt hàng nước ngọt được đưa vào danh sách các mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: số 5.000 tỷ đồng này liệu có được dùng vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân hay không? Bởi họ đã phải bỏ tiền túi ra, mua sản phẩm với giá thành cao hơn bởi Bộ Tài chính áp thuế cao hơn, do lo ngại cho sức khỏe của họ.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tang-thue-nuoc-ngot-vi-lo-cho-suc-khoe-cua-dan-a103558.html